30/08/2013 10:49 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận lại vừa “nóng” về chuyện những con sư tử đá “giữ mộ” từ Trung Quốc đang đặt tràn lan tại mọi đình chùa, công sở, cơ quan. Rõ ràng, việc “dùng nhầm” một sản phẩm văn hóa ngoại lai là bề nổi của câu hỏi luôn được xới lên trong nhiều năm qua: Tại sao chúng ta luôn dễ dàng tiếp nhận ồ ạt những yếu tố văn hóa ngoại, nhưng lại không mấy thành công trong việc “xuất khẩu” sản phẩm mang bản sắc văn hóa VN ra thế giới bên ngoài?
Nhà sử học Dương Trung Quốc,
TT&VH Cuối tuầncó cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, người xới lên câu chuyện “sư tử đá” về vấn đề này. Mở đầu cuộc trò chuyện, ông nói ngay:
- Quả thực, chúng ta tiếp nhận văn hóa Trung Quốc bây giờ theo cách hơi... quá đáng. Quá đáng bởi mang màu sắc cảm tính, thiếu hiểu biết, và thậm chí có chút gì đua đòi. Việc con sư tử đá Trung Quốc được “hô biến” để trở thành biểu tượng phát tài, phát lộc đúng hay sai, ta không cần phân tích nữa. Cái đáng ngại ở đây là tại sao những thứ như vậy có thể lọt vào cả chùa chiền - nơi trên lý thuyết phải là không gian bảo tồn văn hóa bản địa tốt nhất của mỗi quốc gia?
Đổ tội cho tâm lý a dua, học đòi hay nói rằng chùa chiền bây giờ được “thả nổi”, khách thập phương cúng tiến gì cũng nhận thì dễ quá. Không đơn giản vậy đâu, bởi cái gốc của vấn đề là sự hiểu biết và nhận thức chung. Một lần, thực hiện công tác giám sát của đại biểu Quốc hội, tôi tới một ngôi chùa khá nổi tiếng. Thấy tôi góp ý về con sư tử đá đang ngự trước chùa, sư thầy tần ngần kể rằng đó là tặng phẩm của “một ông rất to”. Tôi hiểu cái khó của họ. Dời đi bây giờ đã không dễ, còn nếu sau này, người cúng tiến lại “phát tài, phát lộc” thật, thì câu chuyện còn rắc rối hơn nhiều...
* Có nghĩa, vấn đề nằm ở sự chọn lọc trong việc tiếp nhận văn hóa ngoại, mà cụ thể ở đây là văn hóa Trung Quốc...
- Sự thực, bản thân văn hóa là yếu tố có sức lan tỏa rất mạnh. Và, việc tiếp nhận văn hóa Trung Quốc là vấn đề về địa chính trị của mình. Lịch sử cho thấy: ngay từ rất sớm, chúng ta đã tiếp nhận văn hóa phương Bắc với một cuộc hội nhập cưỡng bức và kéo dài trong cả ngàn năm.
Tôi kể một ví dụ thế này. Dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta nói nhiều tới chiếu dời đô của Lý Thái Tổ. Vậy, nhưng ít người chú ý tới một chi tiết quan trọng: trong văn bản ấy, cụ Lý Công Uẩn phê phán rất mạnh các triều Đinh, Tiền Lê “theo ý riêng, không noi theo việc cũ Thương Chu” để chọn đất dời đô. Rồi, lời đầu tiên nói về vùng đất Thăng Long - Đại La là “đô cũ của Cao Vương”. Nếu theo cách nhìn của các bạn bây giờ, việc chê triều đại cũ, khen Cao Biền, nhà Chu, nhà Thương ở phương Bắc hẳn là hành động vong bản rồi!
Tôi thì nghĩ khác. Cái vĩ đại của người xưa là việc nhận thức rõ: Trung Hoa là một nước bành trướng, nhưng cũng sở hữu một nền văn minh lớn. Trong sự hội nhập văn hóa tất yếu ấy, chúng ta chủ động học ở họ những cái hay, cái tốt để tự bảo vệ mình. Chúng ta chọn kinh đô theo cách mà Cao Biền nhìn về địa lý Việt Nam. Chúng ta mang Khổng Tử về lập Văn Miếu, áp dụng hình thức Nho học cử tử trong cả ngàn năm để tuyển chọn người tài giữ nước. Thực tế chứng minh rằng những sự áp dụng ấy rất có hiệu quả, và giúp ta trong suốt cả ngàn năm nay giữ được sự tự chủ về văn hóa của mình.
Bởi thế, tôi cũng hơi lo ngại rằng những câu chuyện như sư tử đá sẽ khiến các bạn trẻ tẩy chay văn hóa Trung Quốc theo kiểu “ghét thì đào đất đổ đi”. Không nên như vậy, cái hay thì cứ học, miễn là chúng ta tiếp nhận văn hóa ấy với tâm thế, não trạng và quan điểm như thế nào.
Chúng ta vẫn chưa tìm được biểu tượng văn hóa phù hợp với một xã hội hiện đại – trong khi hệ thống di sản văn hóa cũ đang bị phá hủy dần
* Quan điểm của ông gắn với lời chúng ta vẫn nói về việc vừa tiếp thu yếu tố văn hóa mới, vừa giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng sự thật, rất nhiều độc giả bình thường bây giờ cũng lúng túng khi thử tách bạch rạch ròi: đâu là văn hóa Việt Nam nguyên gốc, đâu là văn hóa ảnh hưởng từ phương Tây qua Pháp, đâu là văn hóa phương Đông qua Trung Hoa...
- Đây cũng là câu chuyện liên quan tới việc tiếp nhận văn hóa từ Trung Hoa mà chúng ta vừa bàn. Từ ngàn năm trước, khi chọn lọc tiếp nhận văn hóa phương Bắc, chúng ta cũng đã ngay lập tức có một cuộc hội nhập văn hóa thứ hai từ Phật giáo Ấn Độ. Cho dù các cuộc tranh luận rằng Phật giáo vào Việt Nam đầu tiên qua đường từ hướng Bắc xuống, từ hướng Nam lên, hay do các nhà sư Ấn Độ trực tiếp đưa vào Luy Lâu thì cũng không thể phủ nhận một thực tế: chúng ta rất khôn ngoan, tiếp nhận một dòng văn hóa mới để tạo sự cân bằng. Bởi vậy, Phật giáo đã đồng hành với chúng ta gần như trong suốt chiều dài lịch sử, và có vai trò không thể thay thế trong những lần chống ngoại xâm phương Bắc.
Rồi, theo cá nhân tôi, quá trình Nam tiến của người Việt không chỉ xuất phát từ nhu cầu mở rộng lãnh thổ. Từ một vùng văn hóa quanh quẩn sâu trong vịnh Bắc Bộ, chúng ta chủ động tiếp hội nhập với dòng văn hóa biển thật sự từ miền Trung trở vào, nơi nằm sát tuyến đường hàng hải Đông - Tây năng động nhất thế giới khi đó. Rồi tiếp đến là những yếu tố của văn hóa Phật giáo Tiểu thừa, văn hóa Chăm, văn hóa Khmer, văn hóa bản địa phía Nam. Tất cả những yếu tố văn hóa mới ấy đều được chúng ta dung nạp để tìm sự cân bằng cho mình.
Bởi thế, khi bạn hỏi rằng bản sắc văn hóa Việt Nam ở đâu, tôi nghĩ rằng đặc trưng của chúng ta chính là sự khôn ngoan trong phương pháp tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới. Những thứ như hát xoan, cồng chiêng, hò ví dặm... chỉ là những biểu tượng văn hóa thôi. Chúng ta giữ là giữ khả năng chọn lọc để tiếp nhận những cái tốt của thiên hạ, chứ không phải là hoài cổ. So sánh vui, thì cách bảo tồn văn hóa của chúng ta cần giống như cách ứng xử với trống đồng vậy. Chúng ta tôn vinh biểu tượng trống đồng của người Việt bằng mọi hình thức, nhưng đừng nghĩ đến chuyện hì hục đúc lại trống đồng, rồi cởi trần đóng khố lôi ra đánh mỗi khi có kỳ cuộc gì nữa…
* Như vậy, chúng ta sẽ lại quay sang câu chuyện rất cũ về hiệu quả của việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức...
- Điều ấy cần được cụ thể hóa bằng những gì gắn với đời sống, chứ không phải là khẩu hiệu chung chung. Chẳng hạn, ở mặt bên kia của việc cóp nhặt sư tử đá về Việt Nam là một thực tế khác: chúng ta đang chưa tìm được những biểu tượng văn hóa tương xứng để phục vụ nhu cầu của người Việt Nam. Chúng ta có thể chọn một biểu tượng thuần Việt được không? TS khảo cổ Tống Trung Tín có nói rằng sư tử đá Việt Nam thời Lý - Trần với kiến trúc mềm mại mới là biểu tượng của Phật giáo. Nhưng nếu làm, các nhà sản xuất sẽ bảo chưa đẹp, rắc rối khó làm và nhất là chưa quen với người dùng. Vậy thì các nhà mỹ thuật hãy tìm cách sáng tạo, các nhà nghiên cứu hãy phân tích và phổ biến tới cộng đồng đi.
Những chuyện nhỏ như vậy đều cần tới một quá trình dài để dần tác động tới nhận thức của mọi người. Nhưng chúng ta vẫn chưa khởi đầu, chưa tìm được biểu tượng văn hóa phù hợp với một xã hội hiện đại - trong khi hệ thống di sản văn hóa cũ thì đang bị phá hủy dần. Đấy là điều rất đáng lo.
Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất