Từ 'đá lạ' tới 'đá thề'!

20/04/2013 13:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Giỗ Tổ Hùng Vương 2013 đã kết thúc sau lễ dâng hương vào hôm qua (10/3 Âm lịch). Trang trọng, xúc động và thu hút gần 3 triệu lượt khách hành hương, khó có thể bảo rằng ngày hội tri ân tổ tiên của người Việt không thành công được như mong đợi từ cộng đồng.

1. Sẽ là trọn vẹn, nếu như trong những ngày hướng về đất Tổ, dư luận không tìm ra sự xuất hiện của một “hòn đá lạ” ngay trong lòng đền Thượng - nơi diễn ra nghi lễ dâng hương mọi năm.Theo như những gì được phản ánh, đó là hòn đá cao gần nửa mét, có chạm khắc chữ Phạn, chữ Hán và đủ thứ kí tự lạ lùng. Báo giới hì hục săn tìm xuất xứ của “đá lạ”, kèm theo dư luận về hàng loạt giả thiết... động trời - cho tới khi Ban Quản lý đền Hùng thừa nhận: Hòn đá ấy đã được đặt ở đây từ 2 năm trước.

Rồi, câu chuyện lại càng li kì hơn, khi vị Trưởng Ban Quản lý cũ (đã nghỉ hưu) tiết lộ: khi tu sửa đền Thượng, người ta phát hiện tại đây một lá bùa đặc biệt. Theo nghiên cứu, lá bùa đó được... gián điệp của quân Nguyên Mông lén đặt vào đền Hùng từ thế kỉ 13, với mục đích trấn yểm, xô ngã nước Đại Việt sau thất bại trong 3 lần xâm lược trước đó. Bởi thế, hòn đá lạ này được một doanh nghiệp cung tiến để biến thành lá bùa... yểm ngược lại lá bùa cũ - vốn đã bị phát hiện và... mang về  bảo tàng gần đó.

Kèm theo lời giải thích ấy, lãnh đạo địa phương cũng đưa ra lời hứa... tổ chức hẳn một hội thảo khoa học để quyết định số phận “đá lạ” sau giỗ Tổ. Khi đó, hệ thống kí tự, tính chất, vị trí đặt hòn đá này... sẽ được mang ra phân tích kĩ để có thể đưa ra một quyết định cuối cùng.

Rước kiệu lên Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh trong buổi Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng - Ảnh Thanh Tùng/TTXVN

2. Tạm bỏ qua những tranh cãi ở góc độ tâm linh, câu hỏi đặt ra: Nếu quả thật hướng tới ước vọng mang lại may mắn an lành cho vùng đất Tổ và con cháu vua Hùng, việc đặt “đá lạ” tại đền Thượng sẽ là tích cực và đáng quý. Vậy, sao điều đó không được công bố rộng rãi ngay khi thực hiện, để có thể tìm kiếm sự đồng tình (và hỗ trợ) từ cộng đồng - thay vì phải tổ chức thêm hẳn một cuộc hội thảo vào mấy năm sau? Và nếu như “đá lạ” được yêu cầu mang ra khỏi đền Hùng - như ý kiến hiện có của nhiều chuyên gia, phải chăng chính những người quản lý ở đền Hùng lại đang đi ngược với tiêu chí và yêu cầu của Luật Di sản văn hóa, cũng như với tính chất của một khu vực thiêng liêng như đền Thượng?

Câu chuyện “đá lạ” năm nay khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới trường hợp “cột đá thề” ngay tại đền Hùng vào năm 2011. Trong nhiều năm dài, một cột đá dài đã tồn tại ở sân đền Thượng, với những truyền thuyết trong dân gian rằng đó chính là “cột đá thề” được dựng lên khi vua Hùng truyền ngôi lại cho An Dương Vương. Tuy nhiên, khi tu sửa, cột đá này đã được đưa vào Bảo tàng Hùng Vương, để thay vào chỗ cũ bằng... một cột đá mã não mới nguyên và ít nhiều gây nên những phản ứng từ dư luận.

Từ "đá thề” tới “đá lạ”, dường như chúng ta đang đứng trước một thực tế: Luôn mất thời gian vào những rắc rối và tranh luận vô bổ, khi mà việc quản lý di sản không được thực hiện nghiêm chỉnh ngay từ ban đầu.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm