Từ chuyện 'trai làng đi xem hội' đến xe buýt dành riêng cho phụ nữ

27/12/2014 07:09 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Chuyện lợi dụng lúc đông đúc, nhốn nháo để chọc ghẹo đàn bà, con gái không phải bây giờ mới có, mà nó đã trở thành một căn bệnh thâm căn cố đế trong xã hội Việt Nam. Và điều đáng nói là nó không chỉ là thói “mất dạy” của các thành phần "hư hỏng", mà dường như đã thành "thú tiêu khiển" của nhiều gã trai mới lớn. Trong truyện dài Những bài học nông thôn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có trường đoạn về gã trai làng điềm nhiên có hành vi sàm sỡ gái làng:

"Có mấy tay thanh niên ở bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí (…) vào (…) cái Lược. Cái Lược bảo: "Làm gì thế?". Tay này cũng dơ, thản nhiên: "Làm chủ nhiệm hợp tác". Cái Lược mắng: "Thôi đi chứ". Tay này lại bảo: "Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm". Xung quanh cười ồ” (trích Những bài học nông thôn).

Tại sao lại phổ biến hiện tượng chọc ghẹo phụ nữ trong hội hè, đình đám? Xét ra, trong một xã hội nông nghiệp, xiển dương “văn hóa phồn thực”, thì các hành vi trai gái đùa bỡn ở một mức độ nào đó như một phản ứng với những khuôn phép của đạo đức phong kiến. Chẳng phải ngẫu nhiên mà khá nhiều màn lễ hội (tiêu biểu là trò Trám), trò chơi dân gian (bắt chạch trong chum), thậm chí cả điêu khắc đình làng… cũng thể hiện rất cởi mở và trực diện những cảnh trai gái vui đùa hồn nhiên… như cô tiên!

Đương nhiên từ triết lý phồn thực đến các hành vi sàm sỡ phụ nữ là một khoảng cách một trời một vực. Khi loang ra ngoài cuộc sống, nó đã bị biến tướng nghiêm trọng.

2. Những ai đã từng đi xe buýt vào giờ cao điểm sẽ có cảm giác y như lạc vào một đám hội nhốn nháo. So với nhiều phương tiện công cộng khác, xe buýt không chỉ đông hơn, chật hơn, nhộn nhạo hơn, mà chính việc phải đứng đu đưa, nghiêng ngả, dồi lên dập xuống sau mỗi cú tạt hay phanh gấp của bác tài, cho nên, dù muốn hay không, dù thích hay không thích, bạn cũng khó lòng mà không va chạm vào những người xung quanh.

Trong hoàn cảnh đó, chẳng cần điều tra cũng biết, thói “trai làng đi xem hội” có cơ hội phát tác khủng khiếp như thế nào, nhất là khi thanh niên nam nữ là đối tượng đi xe buýt chủ yếu. Không chỉ sàm sỡ bằng thân thể, nhiều gã trai còn trắng trợn sàm sỡ bằng… lời nói cùng những tràng cười khả ố, khiến nhiều cô gái phải ngượng chín cả mặt.

3. Không phải ngẫu nhiên mà TP. Hà Nội nghiên cứu thí điểm xây dựng các tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ. Có những số liệu điều tra khảo sát hẳn hoi để khẳng định nạn quấy rối phụ nữ trên xe buýt đang là nghiêm trọng.

Nhưng nếu hỏi những gã đàn ông thích giở thói “trai làng đi xem hội” trên xe buýt, tôi đồ rằng rất nhiều gã chưa nhận thức được một cách đầy đủ rằng, các hành vi đó không chỉ đơn thuần là bị… vài cái tát như ở trong hội làng, mà còn có thể đủ yếu tố cấu thành tội phạm (tội quấy rối tình dục).

Trong xã hội văn minh, hành vi quấy rối tình dục được quy định rất chi tiết, rất cụ thể với các mức khác nhau, đâu có dễ dãi như ngày xưa, phải đến mức chiếm đoạt thân xác, làm phễnh bụng gái làng mới bị các cụ lôi ra đình xử phạt?

Vì thế, giáo dục nhận thức của thanh niên về hành vi quấy rối tình dục là điều phải làm đầu tiên. Thực ra, xe buýt Hà Nội trong mấy năm nay đã khá nề nếp: chuyện nhường ghế, nhường lối cho phụ nữ, người già, người tàn tật đã thành “luật” (ai sơ ý không nhường, bị phụ xe mắng ngay). Thì nay, hãy trang bị thêm cho nhà xe ý thức, cả phương tiện (ví dụ lắp camera) và ràng buộc thêm trách nhiệm phải theo dõi, xử lý các hành vi quấy rối tình dục trên xe buýt, đồng thời khuyến khích các nạn nhân lên tiếng… thì tôi tin rằng, cái vấn nạn “trai làng đi xem hội” sẽ giảm hẳn. Chỉ cần xử nghiêm một vài vụ, chắc chắn những gã trai trâng tráo sẽ sợ sun vòi.

Trong xã hội hiện đại và văn minh, phụ nữ không chỉ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt mà còn đủ năng lực thực hiện các quyền bình đẳng đó. Xã hội không thể bất lực trước một nhóm những gã trai khả ố (để phải tách chị em ra đi xe riêng), mà phải bảo vệ và tạo đủ điều kiện để chị em có thể tự tin đi lại nơi công cộng.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm