TS Nguyễn Văn Vịnh: Đưa 'người rừng' về rừng là bất nhẫn

16/08/2013 07:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian vừa qua, báo chí trong nước và quốc tế sôi sục hiện tượng tìm thấy hai cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi. Sau phút ngỡ ngàng, tò mò vì cuộc trốn chạy chiến tranh 40 năm nơi rừng thẳm của cha con Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Loan (41 tuổi), cộng đồng lại tỏ ra lúng túng trong việc xử trí với “người rừng”.

Đặc biệt, trước thông tin mới nhất, cha con “người rừng” ngỏ ý muốn về rừng, đông đảo dư luận sục sôi đòi tôn trọng quyết định của họ và đưa họ trở lại nơi họ đã ở suốt 40 năm tách biệt với cộng đồng.

Để cung cấp cho độc giả góc nhìn văn hóa về hiện tượng trên, TT&VH Cuối tuần có cuộc đối thoại với TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục.


TS Nguyễn Văn Vịnh

* Đầu tiên, theo quan điểm của ông, cụm từ “giải cứu người rừng” đang được dùng có thực chính xác?

- Tôi thấy buồn cười vì cụm từ này. Những con người ấy không bị giam hãm và không bị hiểm nguy, thậm chí họ còn chẳng cần đưa họ về cộng đồng thì dùng từ “giải cứu” là không thật chính xác.

* Cụm từ nào hợp lý hơn trong trường hợp này, thưa ông?

- Đưa “người rừng” về hòa nhập cộng đồng.

* Vậy theo ông nên hay không việc “đưa người rừng về hòa nhập cộng đồng”?

- Nguyên nhân người ta bị lạc cộng đồng là do chiến tranh. Các cuộc chiến thường có những bi kịch thảm khốc và lạ lùng như vậy. Và việc đưa họ về là điều nên làm vì nhiều lý do.

* Cụ thể, thưa ông?

- Con người luôn luôn phải sống trong cộng đồng. Nên bất kỳ cá thể nào tách khỏi cộng đồng chỉ là do không mong muốn. Còn nếu có điều kiện, ta phải tìm cách đưa họ lại với cộng đồng, trở về với bản ngã của mình. Hơn thế, những “người rừng” có cộng đồng từ trước, họ có quê hương, có dòng tộc…, tức là họ có đầy đủ yếu tố trở thành con người xã hội.

Song người cha ở đây phải chịu một sang chấn xã hội rất nặng từ biến động lịch sử và bi kịch gia đình. Từ những sang chấn này đã tạo ra cho ông ấy sự sợ hãi, trốn chạy trong rừng suốt 40 năm.

Việc họ bị đứt đoạn giao tiếp với cộng đồng tới 40 năm do biến cố xã hội đã tạo ra một khoảng trống rất lớn giữa họ và cộng đồng. Và ta cần đưa họ về và khỏa lấp khoảng trống đó. Đây là trách nhiệm nhân văn của cộng đồng trước cá thể bị nạn.

* Nhưng hiện đang có một luồng dư luận rất lớn cho rằng ta nên đưa họ trở lại rừng cũng bởi đó là nơi họ có đầy đủ kỹ năng để sinh tồn và cảm thấy yên bình. Ông nghĩ sao?

- Đám đông nên bình tĩnh lại. Đưa “người rừng” về rừng giờ là bất nhẫn, vô trách nhiệm. Bởi những ý kiến này thực chất chỉ dựa trên phương diện sinh học. Người miền núi có kỹ năng sống rất tốt trong đời sống ở rừng. Thêm nữa, đặc điểm rừng Việt Nam, cây cối sinh trưởng rất tốt, 4 mùa đều có rau củ để ăn. Nên việc hai cha con “người rừng” sống ở rừng không có gì quá đặc biệt. Nhưng ta nên suy xét vấn đề ở chiều sâu văn hóa như tôi đã nói ở trên.

* Còn một phương án mang hình thức khá dung hòa hiện tại là để họ về rừng sống cuộc sống của họ như 40 năm qua. Cộng đồng sẽ chăm sóc họ bằng việc “chi viện” đồ ăn, y tế… định kỳ?

- Nếu đã đưa họ về lại rừng thì họ chẳng cần sự chi viện nào cả. Vì 40 năm nay hai cha con họ vẫn sống khỏe mà đâu có cần ai giúp.

Trên thực tế, họ cũng chưa phải là thành viên đầy đủ của xã hội. Nên vấn đề là xã hội gắng đưa họ về với bản ngã con người cộng đồng của mình.

* Nhưng người con Hồ Văn Loan được đưa vào rừng từ khi hơn 1 tuổi. Nên những ý niệm về cộng đồng trong con người ấy dường như không có, kể cả ngôn ngữ giao tiếp trong cộng đồng của cậu cũng gần như con số 0. Vậy đây có là trường hợp đặc biệt mà lý thuyết “con người của cộng đồng” ông áp dụng vào sẽ không hợp lý?

- Trong con người luôn tồn tại cái gọi là ẩn ức xã hội di truyền qua các thế hệ. Đơn cử như ngoài hái lượm và săn bắt, Hồ Văn Loan cùng cha là Hồ Văn Thanh canh tác với những công cụ tự chế tác. Đây là kỹ năng đầy đủ của con người được kế thừa từ cộng đồng. Vấn đề là cậu ấy chỉ bị dừng lại giao tiếp cộng đồng ở một thời điểm. Cụ thể là gần 40 năm đầu của cuộc đời.

Chính vì thế tôi mới nhấn mạnh việc giáo dục lại từ đầu. Theo tôi nếu họ không có những dấu hiệu bất thường về mặt tinh thần, chuyện này không khó.


Hai cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang

* Còn tôi nghĩ để cha con “người rừng”, đặc biệt là người con Hồ Văn Loan hòa nhập là rất khó…

- Đầu tiên, nhiệm vụ lúc này là để họ không sợ hãi, vượt qua “cửa ải” khó nhất là “sốc văn hóa”, rồi họ sẽ quen dần. Theo tôi, ngoài chính quyền với những cơ chế ứng xử linh hoạt, các chuyên gia về văn hóa, tâm lý cần chung tay giúp đỡ họ trong thời gian hòa nhập.

Trường hợp Hồ Văn Loan chỉ như một trường hợp giáo dục trẻ em mới lớn. Thậm chí còn dễ hơn bởi người này cũng có những kinh nghiệm xã hội từ trước. Duy chỉ có điều nó không tương thích với chúng ta. Nên ta chỉ cần đẩy những tư duy này xích lại và tiến tới dung hòa là thành công.

Ta cũng không đòi hỏi quá cao rằng người 40 tuổi phải có kiến thức như người tốt nghiệp phổ thông. Bởi trên thực tế, nhiều người ở vùng núi vẫn mù chữ và rất ít biết về xã hội bên ngoài.

Cũng cần nhắc lại trường hợp dung hòa văn hóa của người Rục trước đây. Lúc mới đưa người Rục về với cộng đồng chung với nhiều khó khăn, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng nên để họ tự lo trong rừng như trường hợp “người rừng” hiện nay. Song thực tế, tới giờ, người Rục sống và hòa nhập rất ổn.

* Theo thông tin mới nhất, chính hai cha con “người rừng” đã bày tỏ ý nguyện về rừng. Vậy nếu ta cứ áp đặt họ ở lại với chúng ta, e chừng không ổn…

- Những sự đứt quãng xã hội tới 40 năm khiến họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở bên ngoài. Nên họ choáng váng, bỡ ngỡ và muốn về rừng là điều đương nhiên.

Chắc điều cậu cảm thấy bất ổn nhất là “sự xâm hại quyền tự do”? Nếu hiểu như vậy là sai lầm hoàn toàn. Theo các nhà triết học, tự do là tính tất yếu của nhận thức.

Như tôi đã nói, do họ không hiểu cộng đồng lớn và thế giới văn minh có những gì nên ta đưa họ về, truyền đạt cho họ những điều họ nên biết và đáng được hưởng. Từ đó, họ có thể tự quyết số phận mình nên đi hay ở. Trên thực tế, ta đang thực thi quyền tự do đầy đủ cho những con người này.

* Nghĩa là nếu ở với cộng đồng một khoảng thời gian đủ dài (khoảng 1, 2 năm chẳng hạn) cha con Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Loan vẫn muốn về rừng, ta sẽ để họ đi, thưa ông?

- Tất nhiên, khi họ đã nhận thức đầy đủ những quyền và lợi ích khi ở lại với cộng đồng mà họ vẫn quyết chối bỏ, chúng ta sẽ tôn trọng quyết định của họ.

Với bất cứ ai, bi kịch đều xuất phát từ những lựa chọn chứ không riêng gì “người rừng”-TS Nguyễn Văn Vịnh

* Bi kịch chỉ thực sự xuất hiện khi con người nhận thức được những nỗi khốn khó, thiếu thốn của mình. Để họ ở một thời gian dài như vậy, họ hiểu phần nào về thế giới văn minh nhưng không thích nghi được, họ về rừng và bắt đầu thấm thía nỗi cay nghiệt của số phận. Phải chăng nếu trường hợp xấu này xảy ra, quyết định cố giữ họ lại để mở mang về thế giới văn minh chẳng là tội lỗi lắm sao?

- Thực chất, những người vùng sâu vùng xa, nhu cầu của họ rất đơn giản. Và với sự giúp đỡ tận tình và mạnh mẽ từ cộng đồng (như xây nhà để họ ở, cấp đất để họ canh tác..), hai cha con “người rừng” sẽ chóng có được những “cần câu cơm” để đảm bảo một mức sống không đến nỗi tệ so với người dân bản địa. Còn nếu như vậy, họ vẫn thích cuộc sống ở rừng hơn thì lựa chọn là của họ. Và với bất cứ ai, bi kịch đều xuất phát từ những lựa chọn chứ không riêng gì “người rừng”.

* Hiện tượng cha con “người rừng” được báo chí quốc tế săn đón và gọi là “Tazan của Việt Nam” khiến nhiều người nhanh nhảu cho rằng ta cũng nên tìm một cách nào đó để hai “Tazan” này quảng bá cho hình ảnh Việt Nam, một đoạn clip hay một bộ phim chẳng hạn?

- Mọi hành vi tận dụng hai người này để quảng cáo (hay nói mỹ miều là quảng bá) là hành vi bất lương. Những con người ấy đang rất yếu thế trong xã hội, họ cần cộng đồng giúp đỡ chứ không phải để đem ra sử dụng phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Nếu thế giới văn minh “chào đón” những “người rừng” bằng hành vi man rợ này, có lẽ việc họ trở lại rừng xanh là dễ hiểu.

* Nhưng một bộ phim nhân học về hai “người rừng” có lẽ cũng đâu đến nỗi…

- Nếu những nhà khoa học xã hội cùng những “người rừng” trao đổi kiến thức trong một khoảng thời gian thật dài, một bộ phim nhân học về “cha con Tazan” là ý kiến hay và nên làm. Miễn là nó không liên quan tới yếu tố thương mại kiểu kinh doanh “sở thú người”

 Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm