Tréo ngoe chuyện lưu danh của thiên hạ

18/04/2013 11:52 GMT+7


1. Thiên hạ đang nóng chuyện danh: kiếm danh và lưu danh. Cụ Nguyễn Công Trứ đã dạy: “Đã làm trai ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” là gì. Vì thế, việc được lưu danh ai ai cũng muốn.

Chuyện ông đại gia Trầm Bê, có lẽ do thấm nhuần “Phận sự làm trai” mà cụ Nguyễn Công Trứ đã răn, sợ “không công danh thì nát với cỏ cây” nên ông đã lưu cái “công” và cái “danh” của mình ở tận những nơi tôn nghiêm nhất. Báo chí đưa tin, hàng loạt ngôi chùa cổ ở tỉnh Trà Vinh sau khi được đại gia lắm tiền nhiều của này “phát tâm” xây dựng, sửa chữa, cổng chùa lập tức mang tên ông. Hình ảnh gia đình ông còn tràn ngập nơi chánh điện.

Chuyện khắc tên, ghi nhớ công đức ở nhà chùa không phải xa lạ, nhưng thường cũng chỉ là một tấm bia hay bảng tên nhỏ để không ảnh hưởng đến hình ảnh Phật, hoặc những phiếu công đức. Có lẽ, in cả ảnh to tướng của đại gia đình trên chánh điện tôn nghiêm, để được được tán dương công đức thì chỉ vị thí chủ này mới nghĩ ra được.

Vị đại gia có nghĩ, để lưu ảnh, lưu danh mình mình chỗm trệ trên tấm bia giữa chánh điện, sẽ phải mang thân đi hứng chịu “bia miệng” của người đời. “Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, cái danh lưu như vậy, liệu có đáng?

2. Ngoài câu chuyện lưu danh “có một không hai” trên, những ngày qua còn một chuyện lưu danh khác. Số là, các nghệ sỹ đương thời muốn lưu danh hiệu NSƯT cho cố nghệ sỹ Văn Hiệp. Dù đã diễn từ năm 1954, đã tham gia 1.000 tác phẩm kịch, phim, qua 3 lần làm hồ sơ, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn không được phong NSƯT vì… thiếu huy chương.

Thực tế, những ai lý trí sẽ hiểu luật là luật, nếu như không có sự đặc cách đặc biệt nào, mà xét tặng theo quy định thì những trường hợp như diễn viên Văn Hiệp sẽ khó có được cái danh NSND, NSƯT.

Nó làm chúng ta nhớ đến danh phận của nhiều người khác. Cụ Mơn, nghệ nhân ca trù ở Hà Tĩnh; cụ Nguyễn Đức Sôi, một trong những “liền anh” quan họ nổi tiếng; nghệ nhân Trần Kích, người được xem là nghệ nhân cuối cùng của nhã nhạc cung đình Huế. Gần đây nhất là nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Họ được coi là những “báu vật nhân văn sống” mà chưa nhận được những danh hiệu cao quý của Nhà nước phong tặng.

Họ đã về với đất, nơi họ an nghỉ sẽ chẳng ai thấy đó là nơi an nghỉ của một người nghệ sĩ có danh. Như một Marguerite Duras, văn sĩ tác giả Người tình. Bia mộ của bà tại Nghĩa trang Montparnasse, ngoại ô Paris thậm chí không viết đủ tên bà, chỉ khắc hai chữ viết tắt họ tên bà là M.D. Một nấm mộ vô danh, nhưng tên tuổi bà được lưu danh muôn thủa.

Những con người trên, cho đến khi ra đi, họ chỉ là những người khiêm nhường, dù đóng góp của họ cho đời sống không hề nhỏ bé. Ngoài tài năng, làm sao họ có cách gì để lưu danh nhanh chóng và tiện lợi như vị đại gia kia được, tiền lại càng không.

Nguyễn Gia



Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm