Trẻ em cần học và người lớn cần dạy

12/04/2013 10:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ý kiến của bạn Hương Color, Ai cần học? có thể vắn tắt như sau: Con gái 11 tuổi của bạn mang máy chiếu đến lớp, có chiếu các bức họa nổi tiếng thế giới, nhưng lại bị cô giáo phạt, vì cho rằng đó là các bức hình “bẩn thỉu”, “bậy bạ”.

Cũng dễ hiểu thôi, khi các cô giáo tiểu học mấy khi được nhìn thấy những bức họa ấy, có lẽ phần lớn đều là tranh khỏa thân, ít nhất mà tôi có thể biết là Young Man Beside The Sea, còn bức Liberty Guiding The people thì thể hiện người phụ nữ lộ nguyên bầu ngực.

Tôi đồng ý với bạn Hương Color rằng “phát ngôn” của cô giáo tiểu học nói trên là “thiếu hiểu biết” và xúc phạm đến các kiệt tác. Nhưng theo tôi, việc cô giáo không đồng tình với việc các học sinh của mình tiếp xúc với các bức tranh đó không hoàn toàn vô lý. Câu chuyện của bạn khiến tôi nhớ đến một chuyện vừa mới xảy ra tại nước Anh.


Bức tranh Nude Woman In A Red Armchair của danh họa P.Picasso.

Các nhà chức trách của sân bay Edinburgh đã buộc phải che tấm poster có hình bức tranh nude nổi tiếng của danh họa Pablo Picasso - Người đàn bà khỏa thân trong chiếc ghế đỏ (Nude Woman In A Red Armchair) - sau khi nhiều hành khách cho rằng nó quá khiếm nhã. Cần nhớ rằng, đây là câu chuyện xảy ra ở châu Âu, cái nôi của các dòng tranh này, và ở một không gian công cộng chủ yếu dành cho người lớn, chứ không phải ở một trường học, trong một nhóm học sinh 11 tuổi. Tấm poster in kiệt tác này cũng không phải được sử dụng một cách kệch cỡm, mà được dùng để quảng bá cho một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Scotland.

Tất nhiên, hành vi che tranh này sau đó đã phải rút lại, các nhà chức tranh sân bay đã phải xin lỗi và cho phép trưng bày như bình thường. Vấn đề đặt ra là, tại sao nhiều du khách lại “thiếu hiểu biết” khi phản ứng lại bức tranh này? Điều đó có lý do của nó, dù ai cũng biết Picasso là ai, nhưng nhiều người không biết tranh nào là tranh của ông, và nếu không đề tên ông vào tranh thì có vẻ như bức tranh nào cũng từa tựa như... trẻ con vẽ bậy(!). Vấn đề nữa, là không gian công cộng ở sân bay vốn không dành cho trưng bày tranh, và do đó người ta không chuẩn bị sẵn tâm thế để thưởng thức nghệ thuật giống như khi bước vào Bảo tàng Louvre.

Mặc dù tranh khỏa thân và tranh khiêu dâm là hai chuyện khác nhau, nhưng sự thưởng thức nghệ thuật phải đặt trong đúng không gian của nó, và quan trọng, là phải có sự giáo dục nghệ thuật cần thiết, thậm chí cả sự hướng dẫn khi thưởng thức chúng, nhất là đối với các trẻ em. Trẻ em ở tuổi mới lớn rất khó phân biệt giữa nghệ thuật với khiêu dâm, cho nên nếu phát hành sách ảnh nude Xuân thì của Thái Phiên (được phép xuất bản) vào đối tượng học sinh cũng không phải là cách hay.

Trở lại với cái máy chiếu có các bức tranh kinh điển mà bạn Hương được tặng khi đến Bảo tàng Louvre. Những bức tranh đó, có lẽ không phân biệt lứa tuổi thưởng thức, nhưng cũng không nên để các em nhỏ túm tụm lại xem, rồi... bàn tán, mà nên đưa vào một hoạt động ngoại khóa, có sự tham gia của thầy cô am hiểu nhất định về nghệ thuật. Sau khi giải thích cho các em biết về sự mô tả vẻ đẹp cơ thể con người, từ thời Cổ điển Hy Lạp đến thời Phục hưng, rồi đến các giai đoạn sau này, lại giải thích về ý nghĩa của từng bức tranh..., thì khi xem tranh, các em sẽ gặt hái được nhiều hơn.

                    Nguyễn Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm