Tranh cãi xung quanh 'Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây': Học sinh lớp 5 chưa đủ khả năng cảm thụ

18/03/2015 07:36 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Như Thethaovanhoa.vn đã thông tin, hôm qua (17/3), NXB Giáo dục Việt Nam đã có gửi công văn trả lời báo chí về tranh cãi xung quanh đoạn văn Thánh Gióng trong sách giáo khoa. Thể thao&Văn hóa (TTXVN) ghi nhận ý kiến nhà giáo Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

>>>Một số 'dị bản' về Thánh Gióng

Theo công văn nói trên, NXB Giáo dục Việt Nam và GS. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên sách Tiếng Việt lớp 5) có ý kiến như sau: "Bài tập được bài báo nêu nằm trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được lấy lại từ cuốn Tiếng Việt 5, tập hai (NXB Giáo dục, 2010, tr. 86). Đoạn văn trong bài tập trích từ bài viết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Đình Thi – “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” (Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập IV, NXB Văn học, 2009, tr. 148). Mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho học sinh kĩ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn".

Nhà giáo Văn Như Cương: “Dùng văn bản khác có thể bớt rắc rối hơn”

“Đây không phải là lịch sử, mà là truyền thuyết không có thật. Bản thân tôi cũng từng nghe kể về dị bản này từ người dân làng Xuân Tảo. Đến nay họ vẫn lưu giữ truyền thuyết về một gốc đa mà Thánh Gióng sau khi đánh giặc xong đã về đó ăn cơm, một vũng nước ở Hồ Tây mà ông xuống đó tắm. Ngoài ra, có truyện nói ông đi lên trời bỏ quên cây roi sắt, nhưng cũng có truyện nói ông chết ở trong rừng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết.


Nhà giáo Văn Như Cương

Còn về đoạn văn được trích trong sách Tiếng Việt lớp 5, tôi phải nhắc lại rằng đây không phải bài đọc về Thánh Gióng hay bài tập làm văn, mà là bài tập về tìm các từ có thể thay thế nhau trong một đoạn văn, mà ở đây là các từ như Phù Đổng Thiên Vương, trang nam nhi, tráng sĩ ấy, người trai làng Phù Đổng… Bài tập này giúp học sinh đọc và nhận biết được những từ ngữ chỉ cùng một người, chứ không hẳn để kể cho học sinh về một truyền thuyết.

Có ý kiến cho rằng cần chú giải rõ về xuất xứ đoạn văn và ngữ cảnh trong bài viết của tác giả Nguyễn Đình Thi, tôi cho rằng nếu đưa một đoạn văn vào mà phải người dạy phải giải thích thêm “Đây là dị bản ít người biết so với dị bản Thánh Gióng bay lên trời” thì quá rắc rối. Tôi thừa nhận, giả sử dùng một đoạn văn khác cho bài tập này thì sẽ bớt rắc rối hơn.

Nhưng độc giả cũng phải rút kinh nghiệm, nhiều người phản đối mà không tìm hiểu kỹ. Họ cho rằng chỉ một truyền thuyết bay lên trời mới là đúng, ngoài ra không có bất cứ truyền thuyết nào khác. Nhưng không phải vậy.

Tôi cần lưu ý thêm rằng, đó là năm 1944, khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi tham gia Văn hóa cứu quốc và đi nói chuyện với sinh viên. Ông đưa tình tiết tưởng tượng về sự hy sinh của Thánh Gióng để nhắn nhủ một điều: Nhân dân ta không thể dựa vào người trời, mà phải dựa vào bản thân mình để đánh đuổi quân xâm lược.


Đoạn văn về Thánh Gióng đang gây tranh cãi

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Nên hiểu câu chuyện trong văn cảnh của nó”

“Tôi có theo dõi những tranh luận xung quanh câu chuyện tạm gọi là "Thánh Gióng xuống tắm Hồ Tây” trong vài ngày qua. Nhìn chung, khi đưa ra các ý kiến và nhận xét của mình, những người trong cuộc đã bỏ qua một thông tin quan trọng: Đây là chi tiết do nhà văn Nguyễn Đình Thi tưởng tượng  chứ không phải  hàm ý tích truyện Thánh Gióng vốn như thế.

Thực tế, trong sự sáng tạo, mỗi nhà văn trong tác phẩm của mình  đều có thể thêm bớt các chi tiết, tình huống, câu chuyện... cho những nhân vật lịch sử hoặc  thần thoại, thậm chí có người "dám" viết mới lại. Chúng ta đã từng chứng kiến  những sáng tác "viết lại" đoạn kết thúc của các chuyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh... Hoặc, cũng có nhà văn từng sáng tạo ra những tình tiết không hề được lịch sử ghi lại, để lý giải việc vua Trần Cảnh (Trần Thái Tông) từng có ý định bỏ ngôi lên núi tu hành. Đó là chuyện rạch ròi giữa sáng tạo và sử liệu, nên không ai coi là "xuyên tạc" cả.


Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Câu chuyện Thánh Gióng sẽ là vấn đề cần trao đổi riêng, nếu sách giáo khoa thực sự có ý định phổ biến đến đại đa số độc giả cả nước một dị bản khác biệt, chỉ tồn tại trong vài địa phương. Nhưng hẳn là không hề có ý định ấy.

Còn ở đây, khi gắn liền với ngữ cảnh, thì đoạn văn trên chỉ đơn giản là một ý tưởng lãng mạn theo mạch nghĩ bay bổng của Nguyễn Đình Thi (hồi năm 1944, ông mới 20 tuổi), chứ không phải là câu chuyện để thay thế cho truyền thuyết Thánh Gióng đang tồn tại.

Đặc biệt, đoạn văn được trích dẫn cũng không hướng tới việc giới thiệu truyền thuyết Thánh Gióng. Đó chỉ là một bài tập về kĩ năng sử dụng các từ thay thế nhau trong tiếng Việt, cụ thể là những cụm từ "trang nam nhi", "tráng sĩ ấy", "người trai làng Phù Đổng". Bỏ qua điều này, nhiều ý kiến trong cuộc tranh luận đã đưa tới những suy diễn quá xa, làm như đã có sự xuyên tạc lịch sử hay đi ngược truyền thống!

Nếu cần góp ý, ta chỉ nên bàn về việc các học sinh lớp 5, vốn quen với truyền thuyết Thánh Gióng trong dân gian, đã đủ khả năng cảm thụ và đánh giá về sáng tạo của tác giả Nguyễn Đình Thi hay chưa? Tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu ta sử dụng đoạn trích này vào sách giáo khoa cho học sinh ở bậc học cao hơn. Còn ở góc độ một bài tập về kĩ năng dùng từ, ta có thể tìm những ví dụ đơn giản và gần gũi hơn với cách hiểu của các học sinh cấp 1”.

Mi Ly - Cúc Đường (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm