(Thethaovanhoa.vn) -
Trời rét, và vỉa hè vắng. Cái cảm giác được ủ trong tay một cốc trà nóng bỏng khi gió bấc hun hút thổi quả là tuyệt vời, nhưng xưa cũ rồi. Giờ, cũng ủ một cốc trà nóng như thế, nhưng ngồi trong nhà kín, kệ gió thổi ngoài đường, với nhiều người là tuyệt hơn. Chỉ những người nặng lòng với cái văn minh vỉa hè lắm mới sù sụ áo bông mà uống trà ngoài đường, để mà làm một hơi thuốc lào, thả làn khói dày đặc vào không khí lạnh.Vỉa hè vắng, chẳng cần ai phải đuổi, bà hàng nước buông tiếng thở dài.
Phải ngồi vỉa hè, mới biết cái câu “phải đuổi” nó gây ra sự nơm nớp thế nào. Mỗi lần, Đội quản lý trật tự đô thị đi tuần, thế là một phen dáo dác cả cái chợ cóc con con đầu ngõ xế bên hàng nước. Mạnh ai nấy chạy, đang có khách mua cũng chạy, nép được vào một mái hiên nhà nào đó thì đỡ, cứ chềnh ềnh ra đường thì cả quang gánh bị vứt huỵch lên xe, rau cỏ, chuối, cam tung tóe, còn người lếch thếch nước mắt nước mũi chạy theo.
Cứ ít hôm lại diễn ra cảnh ấy, đầu tháng cuối tháng, sắp có sự kiện gì của thành phố hoặc đơn giản là Đội quản lý lâu lâu rảnh việc. Bắt xong, phạt xong lại đâu vào đấy. Lếch thếch nước mắt nước mũi, hôm sau vẫn cứ tiếp tục bày quang gánh chỗ cũ, lại xả rác, lại lấn đường, lại bị đuổi và chạy... mà không riêng Đội quản lý đô thị, lâu lâu có vụ phối, kết hợp cảnh sát khu vực với trật tự đô thị hoặc các ban ngành đoàn thể, thế là cuộc dáo dác chạy đuổi lại diễn ra. Cứ có người đuổi là có người chạy, có bắt bớ là có xin xỏ, có nạt nộ là có khóc lóc hoặc nổi khùng.
Tình trạng gọi bằng cái tên nhàm chán vô cùng là bắt cóc bỏ đĩa ấy hầu như không thể chấm dứt. Một khi hai bên cùng nỗ lực, nỗ lực ổn định và nỗ lực mưu sinh, theo hai hướng ngược nhau như thế, thì hướng giải quyết hiện tại chỉ là lực lượng cả hai bên cùng đông lên. Người cần mưu sinh từ quê dạt lên thành phố ngày một nhiều, trồng rau nuôi gà cuốc đất ngay trong đô thị, hiệp hội bán rong rộng mở nhân sự đến từng ngách nhỏ trong phố, thì đương nhiên đội ngũ đi dẹp cũng phải phình lên tương xứng. Vụ “dân phòng đánh dân” ở P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chẳng qua vì ghi hình được mà báo chí nói đến, chứ ngày nào ra phố chẳng gặp. Nói chung, bao nhiêu quy định, quy chế, chế tài này nọ không làm thay đổi được bộ mặt đường phố. Nhất là khi người cần mưu sinh vỉa hè ngày một nhiều. Vỉa hè gánh thêm những người mưu sinh cũng ngày một nhiều. Sự nhếch nhác dẹp mấy cũng không hết được
Tôi thấy hình như ti-vi bảo nước mình bớt người nghèo rồi. Tỷ lệ GDP gì đó tăng, bà chủ quán nói với khách. Mà sao ngồi đây nhìn ra hè phố, thấy người sang nhiều lên, người nghèo cũng nhiều lên, chẳng bớt.
Thì đấy, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới công bố, hiện còn khoảng 17 triệu lao động Việt Nam có thu nhập quá thấp, không vượt lên trên chuẩn nghèo 2 USD/ngày (khoảng hơn 40 nghìn đồng/ngày). Khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng chuẩn nghèo và rất dễ tái nghèo khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chẳng biết con số ấy có khớp với thống kê của nước mình hay không, nhưng nguồn lao động vỉa hè là từ đấy, và chưa biết chừng nguồn đi bắt đuổi họ cũng từ đấy...
Biết trách ai!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần