Tôi thấy tuyệt vọng

17/09/2011 14:16 GMT+7

(TT&VH) - Đọc báo, thấy một chuyên gia ngôn ngữ nói rằng tiếng Việt ngày càng dở. Mùa Thu, mưa lạnh đã đủ khó thở, lại còn bao nhiêu vụ án rùng rợn xảy ra ở đây, ở kia, chưa biết chừng ở ngay bên cạnh nhà, rồi thật lắm điều khổ sở khác, giờ lại còn hở ra thêm thế này nữa: thứ ngôn ngữ ngày nào cũng phải dùng để nói năng hóa ra vô cùng dở.

Mới trước đây không lâu thôi, một nhà ngôn ngữ học khác bảo tiếng Việt ngày càng dài, nôm na là không nén, mà rất “bở”, rất “xổi”. Không khoan nhượng nữa, mặt trận đã mở và ta thấy nở tứ tung trên mặt báo từng xấp bản án nghiệt ngã hướng thẳng vào cái thứ đã trở nên rất khả nghi: tiếng Việt của ngày hôm nay, của một hiện tại vô cùng dở.

Đến là nhiều ý kiến của chuyên gia như vậy thì chắc là đúng rồi. Lòng đầy lo ngại, giải pháp khẩn cấp của tôi là đi ra quán bia ngồi uống hết cốc này đến cốc khác và không nói năng gì. Năng lực phòng chống sự xấu xí được tăng cường tối đa, tôi hài lòng oai vệ trong im lặng giữa láo nháo thực khách ẩm giả vung vít bao nhiêu ngôn từ là ngôn từ, dĩ nhiên toàn những ngôn từ rất dở.

Chuyện “hot” (chết rồi, từ này ngoại lai, hơi dở) của các bàn nhậu ngày hôm nay là luận điểm: Chưa bao giờ phụ nữ Việt Nam xấu như hiện nay. Bọn đàn ông say bia đúng là nhảm nhí, nghĩ ra lắm thứ láo lếu chọc cười trêu tức lẫn nhau. Nhưng nghe kỹ hơn thì biết té ra đó lại là phát biểu có chủ nhân đàng hoàng, nói hẳn trên báo, chủ nhân lại còn là người nổi tiếng, một người rất giàu, một người rất sành về giá trị, vì ấy là ông chủ một hãng vàng cực kỳ danh tiếng.

Ông chủ vàng phun lời châu ngọc đó rồi, đến báo chí ưa chuyện giật gân cũng ngơ ngác bàng hoàng nín thở cử phóng viên đến hỏi lại, vì sợ nhỡ ra ông đã nói hớ. Nhưng ông cũng giống bầu Kiên, không hớ chút nào. Ở “cơ hội” thứ hai này, ông chủ vàng làm cả nước yên tâm vào sự chắc nịch như đinh đóng cột của ông, khách hàng thở phào vì ông đã không hổ danh “miệng nhà giàu có gang có thép”, đã nói một lần quyết không nói lại lần hai, và đông đảo quần chúng được an ủi vì ít nhất trong những ngày này có những lúc lời lẽ (dù rằng lời lẽ nói chung có hơi dở) còn quý hơn vàng.

Tôi len lén nhìn ra đường, mặc cảm dâng lên dữ dội vì tôi vừa thấy một cô gái cao dong dỏng tóc uốn quăn nhuộm nâu đỏ đi qua. Tôi thấy thất vọng về tôi lắm lắm, vì tôi thấy cô rất đẹp. Rồi một thiếu phụ đi qua, váy ngắn và guốc cao gót 9 phân, tay phải tay trái mỗi bên đeo 4 cái vòng, tôi lại càng thấy đẹp. Tôi vội nhắm mắt vào, ông chủ vàng phân biệt được cả vàng mười với vàng chín phẩy chín mấy, làm sao ông có thể nói sai được. Tôi phải nhắm mắt để ngăn chặn sự xấu, khi còn kịp. Nhắm mắt, tôi cầu nguyện có ông chủ kim cương nào lên tiếng nói ngược lại thì đỡ khổ biết bao nhiêu.

Mới cách đây vài chục năm thôi, một nhà thơ danh tiếng còn hào sảng thốt lên: “Chưa đâu! Ngay cả trong những ngày đẹp nhất” (của lịch sử), cũng chưa bao giờ mọi thứ đẹp đẽ như thời của ông. Cái hiện tại màu hồng ấy giờ đi đâu mất rồi? Mà những con người vĩ đại trong lịch sử cũng thường xuyên có cảm giác “sinh bất phùng thời” còn gì: Cicéron than thở mình sinh ra quá muộn, không còn được chứng kiến một La Mã tuyệt vời, bên Tàu thì một nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa buồn hộ Khổng Minh vì tuy tìm được minh chủ nhưng không gặp được thời. Lời của họ hẳn đều đúng cả.

Tôi tuyệt vọng vì đã không dám mở miệng nói (sợ nói ra những câu từ quá dở), giờ đây còn không dám mở mắt, tôi sợ nếu mở mắt ra tôi sẽ thấy nước hồ sao chưa bao giờ vàng ệch đến thế, bầu trời chưa bao giờ xám bẩn đến thế, những cây lá, những cặp tình nhân chưa bao giờ xấu xí đến thế. Nhưng tuyệt vọng hơn hết là tôi không đủ “trình” (a, ở đây tiếng Việt hình như ngắn lại!) để thấu hiểu được sự xấu chưa từng bao giờ ấy.

Con Sâu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm