“Tôi đến đây để giao lưu, học hỏi là chính”

31/12/2010 07:05 GMT+7

(TT&VH Online) - Chịu khó xem các game show truyền hình sẽ thấy hầu hết người chơi đều mở đầu màn chào hỏi bằng câu “Tôi đến đây giao lưu, học hỏi là chính”. Người người nói, nhà nhà nói, nhiều đến mức quen mồm, ăn sâu cả vào cách tư duy.

Trong game show mang tính chất thi tài như Olympia, câu nói trên cũng rất được ưa chuộng. Tại các cuộc thi có tính chất ganh đua quyết liệt “khẩu hiệu” này càng trở nên phổ biến. Không ai biết vì sao câu nói này ngày càng thịnh hành. Phải chăng người Việt sợ “nói trước bước không qua” nên cứ khiêm tốn nói thế cho được lòng mọi người (?). Bỗng dưng “Tôi đến đây để giao lưu, học hỏi là chính” trở thành câu mẫu. Người chiến thắng hay nói câu này (vì được cho là khiêm tốn), người thua nói cũng được (vì giảm nhẹ cảm giác thất bại). Bản thân những người dẫn chương trình cũng rất thích an ủi người thất bại là “Không sao, bạn đã đến đây với chúng tôi.v.v…”.

Uyên Linh (trái) và Mai Hương song ca trong đêm trao giải Vietnam Idol 2010 (Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Truyền thông cũng rất thịnh hành tư duy “nước đôi” này. Trước khi Vietnam Idol 2010 kết thúc rất nhiều bài báo đã để ngỏ khả năng “Uyên Linh hay Mai Hương đăng quang không quan trọng vì hiện tại cả hai đều xứng đáng là thần tượng của công chúng rồi”. Ngày 2/1/2011 tới đây Sao Mai Điểm Hẹn sẽ kết thúc, chưa thấy người thắng cuộc đâu đã thấy truyền thông cảnh báo “Người thắng cuộc không phải là người được tất cả mọi thứ” với một loạt dẫn chứng cho thấy rất nhiều người sau khi đoạt giải quán quân đã “xịt” dần. Có thể truyền thông muốn nhắc nhở những “ngôi sao” tương lai không được lơ là, ngủ quên trên chiến thắng. Nhưng có nên nói điều đó vào thời điểm đêm chung kết đã cận kề?

Có thật là danh hiệu, giải thưởng, phần thưởng không quan trọng?  Giải nhất, Quán quân, Hoa hậu… được coi là “đỉnh” của mỗi cuộc thi. Để lên được đến cái "đỉnh" đó phải là một cá nhân xuất sắc, vượt qua rất nhiều cá nhân khác. Khi đã đứng ở vị trí cao nhất họ xứng đáng được tôn vinh, được hưởng những quyền lợi tốt nhất. Thiết nghĩ mỗi một cuộc thi đều có một ngôi vị, đó là yếu tố kích thích các thí sinh đi thi với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Nếu bạn trẻ nào dự thi cũng nghĩ “Ôi dào, giải Nhất và giải Nhì khác gì nhau” có lẽ họ sẽ không còn 100% nhiệt huyết nữa. Ai đi thi cũng mang tâm lý như vậy thì cuộc thi sẽ không còn hấp dẫn. Mà không hấp dẫn, kịch tính sao lôi kéo được khán giả.

Tất nhiên, từ lâu vẫn tồn tại một thực tế, các cuộc thi của chúng ta sau khi kết thúc đều gây tranh cãi vì giữa người đoạt giải Nhất và người đoạt giải Nhì, người lên ngôi Hoa hậu và người đoạt ngôi Á hậu không chênh nhau là bao. Người được cái này thì thiếu cái kia. Người lên ngôi vị cao nhất thường được cho là “may mắn”. Nhưng có nên vì thế mà hạ giá trị của giải Nhất xuống ngang với giải Nhì, đánh đồng Huy chương Vàng với Huy chương Bạc, xóa nhòa ranh giới giữa hai “đẳng cấp” này.

Trong các cuộc thi, người đoạt giải Nhì liệu có thật lòng mình khi nói: “Tôi đến đây chỉ để học hỏi, giao lưu là chính”, hay nói xã giao vậy nhưng trong đầu vẫn cầu mong chiến thắng. Và có ai dồn hết nỗ lực để giành chiến thắng lại không buồn khi người ta nói giải Nhất hay giải Nhì chẳng khác nhau là bao.

Chúng ta nên thành thực với nhau thì hơn.

Đơn cử trong giải vô địch bóng đá Đông Nam Á, nếu đội Timor Leste (Đông Timo) nói “Chúng tôi đến đây chủ yếu là để cọ xát, học hỏi” sẽ không ai nói gì, thậm chí còn đánh giá tốt thái độ thành thực biết lượng sức mình của họ (đội bóng này chưa vượt qua được vòng sơ loại giành cho các đội "chiếu dưới"). Nhưng nếu đội  tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Suzuki Cup nói câu này e rằng hơi kỳ. Dù năm nay Việt Nam thất bại nhưng nhiều người vẫn đánh giá cao thái độ tự tin của HLV Calisto. Trước những trận sống mái  với Malaysia, ông thầy người Bồ Đào Nha dám hứa đội tuyển Việt Nam sẽ thắng, đó là lời hứa của nhà vô địch, nhà vô địch thì nên tự tin như thế. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan Việt Nam đã thất bại chung cuộc trước Malaysia ở sau 2 lượt trận sân khách-sân nhà tại bán kết, ông Tô trả lời báo chí “Chúng tôi đã làm hết sức”. Ở một khía cạnh nào đó người hâm mộ vẫn thông cảm vì ông Calisto đã tự tin, thành thật chứ không khiêm tốn "xã giao".


HLV Calisto không phải là không có lúc mắc sai lầm nhưng ông đã thành thực khi phát ngôn

Thử đặt một giả thiết về mùa Idol năm nay. Trước khi công bố kết quả một số người “nước đôi” chuyện Mai Hương hay Uyên Linh ai thắng ai thua không quan trọng vì họ đã là “thần tượng” trong lòng mọi người. Nhưng giả sử người thắng là Mai Hương, có lẽ sẽ xảy ra “bão” chứ chẳng chơi, vì nhiều người đã xác định được thần tượng của lòng mình. Đã lâu lắm rồi họ mới đồng lòng như thế và họ đã chọn được một quán quân xứng đáng. Một mùa giải đã kết thúc thành công mỹ mãn. Chiến thắng này có ý nghĩa rất tích cực vì nó thúc đẩy niềm say mê ca hát, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ của thanh thiếu niên và khẳng định: khi có khả năng, có niềm tin và quyết tâm cao người ta có thể làm được tất cả.

Mà khi đã có tài năng, có quyết tâm cao thì việc gì phải rào trước đón sau “Tôi đến đây để học hỏi, giao lưu là chính”. Bởi nếu gặp thất bại thì chúng ta vẫn có thể ngẩng cao đầu tự hào “Tôi đã làm hết sức”.

Hải Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm