Tiêu tiền trong giới có tiền

25/11/2012 08:24 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Bỏ vài ngàn đô ra mua cái áo da, mua cái túi xách, mua cái kính hàng hiệu…, để chứng minh mình ở đẳng cấp nào thì ở ta đã nhiều người trong giới có của làm, không tiếc tiền. Nhưng người ta không dễ bỏ ra vài ngàn đô mua một bức tranh đẹp, dù có yêu thích.

Cái áo, cái túi, và cái kính hàng hiệu rồi thì cũng lỗi mốt với thời gian, mất giá và cũng rách hỏng theo thời gian. Bức tranh thì không. Nó còn nguyên đấy với vẻ đẹp như khi mua. Nếu tác giả là người danh tiếng, nghĩa là bức tranh có “thương hiệu” thì giá cả còn thay đổi, thường là giá trị tăng theo thời gian.

Cái túi cái áo đi theo người, làm sang cho người giữa nơi đô hội. Bức tranh chỉ trên tường, ai mà biết khi chủ nhân nó ở ngoài đường?

Nhưng bức tranh làm sang trọng thêm môi trường văn hóa trong gia đình thì ít ai nghĩ tới.

Khách có thể tăng phần kính trọng chủ nhân lên nhiều lần chỉ vì thấy trên tường bức tranh của những họa sĩ được nhiều người biết đến. Những giá trị ấy tiền không mua được, nhưng bức tranh làm được. Đó là cái “lộc” ngầm tỏa ra từ bức tranh.

2. Cái túi hàng hiệu vài ba ngàn đô, đắt nhưng mua được, còn bức tranh từng ấy tiền thì bị coi là quá đắt. Đắt bởi người mua không nghĩ đến giá trị sau của bức tranh đối với  họ. Họ vẫn nghĩ đến mua tranh giống như mua một vật dụng có thời hiệu.

Cái áo, cái túi, cặp kính hàng hiệu tô điểm vẻ sang trọng bên ngoài, một tác phẩm nghệ thuật dành cho một giá trị tinh thần bên trong lâu bền hơn hàng hiệu cho chủ nhân của nó.

Nhưng thói quen hình thức phô trương vẫn lấn át các giá trị thực mang tính phổ biến ở ta. Nên tranh chưa thể có giá trị ở ta. Tranh của các tác giả vẫn thấp hơn hàng hóa tiêu dùng. Đó cũng là sự cản đường của phông văn hóa thấp ở nhiều người giàu có khiến họ chưa thể vươn tới các giá trị nghệ thuật.

Đó cũng là một phần lý do nền mỹ thuật Việt Nam giậm chân tại chỗ, thậm chí tụt lùi, vì khan hiếm người tiêu dùng nghệ thuật đích thực. Cũng bởi vậy mà một số có chút năng lực đã lui xuống làm hàng chợ, bán rẻ  thu nhanh và cũng đánh mất mình nhanh.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm