Thướng tiền

02/03/2013 07:55 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mới đây thấy có tin nói về việc cấm ngửa nón xin tiền trong hội hát quan họ bởi coi đó là việc mất mĩ quan trong các sinh hoạt văn hóa. Nhưng rồi việc cấm không thành, không ngửa nón thì người nghe hát vẫn được dúi tiền vào tay, chả nhẽ người diễn không nhận. Thế là vẫn hát, vẫn nhận, khiến cho lệnh cấm kia không còn “thiêng” nữa.

Việc người xem “thướng” tiền cho người hát trong các canh quan họ có lẽ nó xuất phát ở chỗ có người hát và có người xem quây quanh, giống như xưa trên các chiếu chèo. Lúc đó đâu có bán vé. Người xem xúm quanh gánh hát, khi thấy hát hay đàn ngọt tâm đắc người ta rút dăm xu, một hào thả vào cái rá để bên chiếu chèo, gọi là “thướng”.

“Thướng” là phần thưởng của người xem tự nguyện trao cho người biểu diễn, mà không phải là tiền vé. Tiền vé thì có mức và buộc phải mua mới được vào xem.

Cho nên việc người xem thướng tiền vốn như là hành vi quen thuộc của người dân quê khi thưởng thức nghệ thuật biểu diễn. Việc đó có từ lâu đời. Rõ ràng đó là việc làm đẹp  của cộng đồng.

2. Quê tôi ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), vào Hội chùa Nành hàng năm, thường có gánh tuồng làng Đa Vạn sang góp vui, diễn tuồng tiến ở ngay trước gian chính điện cửa chùa. Cũng dựng rạp, cũng phông màn dù đơn sơ. Thường gánh tuồng đó diễn các tích cũ như Sơn Hậu, những nhân vật huyền thoại như Phàn Lê Hoa, Uất Trì Cung... trong tích truyện Phong thần... Dù bây giờ ti-vi mấy chục kênh cáp với đủ thứ từ vui chơi đến bóng đá, phim trường, nhưng những buổi tuồng tiến đó dân trong làng vẫn chen vai thích cánh ngồi xem. Vở diễn khi chuyển hồi, thường có một bà người làng cầm rá chìa phía người xem lần lượt các hàng để người xem bỏ tiền thướng vào đó cho gánh hát. Người một ngàn hai ngàn, có người bỏ cả mười ngàn.

Bên tả hữu mạc của nhà chùa, hàng năm một gánh hát từ Bắc Giang, nhạc công mang đồ nghề tăng âm cùng vài ba cô gái áo tứ thân xanh đỏ, khăn đóng vàng rực diễn các bài hát từ tân cổ giao duyên đến quan họ, hát ví... Nhưng trong lúc biểu diễn có người rẽ hàng đến thướng tiền thì họ tạm dừng bài đang hát dở, các cô chuyển làn sang bài hát chúc. Với người già, trẻ, gái trai... đều ứng khẩu những bài hát chúc phù hợp với lúa tuổi người thướng tiền, khiến người thướng tiền lâng lâng thấy mình được vinh danh khi về hội... Những cảnh ấy khi tôi về hội hàng năm đều thấy diễn lại.

3. Thướng tiền cho người hát biểu diễn trong Hội chùa làng là như vậy. Nghệ nhân sau mấy ngày hội, đem tiền thu được ra chia đều nhau, rồi gánh hát tự giải tán. Họ lại trở về quê với công việc nông trang. Những đồng tiền thu được đó với họ rất quí, coi đó là lộc chùa, là quà ăn mày cửa Phật chứ không phải là đi “kiếm ăn” thông thường như mọi người nghĩ. Nó là cái lộc xuân trong năm mới.

Nên việc cấm là phá đi nét đẹp thông thường của sinh hoạt Hội làng quê. Không thướng thì còn ai hát. Chẳng ai hát không công, chẳng ai uống nước lã đến góp vui được. Chỉ nên điều chỉnh hành vi ấy sao cho thuận mắt. Người ta ngửa nón đi quanh hàng người về Hội đâu có nghĩa là bắt mọi người phải chi tiền đâu, nó đâu phải cái tiêu cực mới phát sinh.

Hãy nhìn thấy vẻ đẹp trong các canh hát ngày hội và đừng nghĩ đó là hành vi xấu. Chỉ khi quá lạm dụng thì chẳng cứ việc ngửa nón xin tiền, mà vô  khối cái khác còn  tệ hại hơn.

Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm