Thể thao và đất nước

25/08/2012 10:22 GMT+7

Rốt cuộc rồi cũng hoàn tất cuộc họp kiểm điểm thất bại của đoàn thể thao (TT) VN vừa qua tại Olympic London 2012.

Đoàn TTVN, trong đó có thêm một số người đi theo với vai trò du khách đã mang về nước không gì hơn ngoài những món quà kỷ niệm. Ở sân chơi chuyên nghiệp của thể thao đỉnh cao thế giới, không có chỗ cho những cái đầu nghiệp dư và không phải là nơi để quan chức hưởng lộc. Trắng tay có chi mà ngạc nhiên!

Trả lời báo Lao Động, ông Vương Bích Thắng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - nói thẳng thắn rằng: “Tôi và lãnh đạo đoàn TTVN Lâm Quang Thành đã nhận trách nhiệm trước lãnh đạo bộ”. Đương nhiên là các ông phải chịu trách nhiệm vì không còn ai khác có quyền chịu trách nhiệm thay các ông, nhưng chịu trách nhiệm như thế nào mới là điều dân chúng muốn được biết.

Câu nói “Tôi xin nhận trách nhiệm” được nghe đã nhiều, trên diễn đàn Quốc hội, trong các kỳ họp HĐND của các địa phương. Nhưng người dân không biết họ đã chịu trách nhiệm như thế nào. Dân nghe câu nói này thành nhàm chán, nên ông Vương Bích Thắng nói thêm một lần cũng chẳng sao. Ông Thắng cũng như các quan chức khác thôi, nếu đòi ông phải từ chức vì cú lấm lưng trắng bụng của một cuộc thi thể thao thì oan cho ông quá. Biết bao nhiêu thất bại khác còn nặng nề hơn, nhưng có ai từ chức đâu.

Chuyện mấy cái huy chương tuy không dính dáng gì đến chuyện làm ăn kinh tế, phát triển xã hội, nhưng suy cho cùng nguồn lực đất nước có vai trò quan trọng quyết định tương lai của thể thao. Ông Thắng nói: “Thể thao VN cần thay đổi cách làm”, một câu nói mà ai nói cũng được vì đương nhiên là như thế. Nhưng thể thao thay đổi sao được khi nó đang sống trong một môi trường còn nhiều điều quá lạc hậu, tồn tại nhiều thứ quá cũ kỹ. Hãy ngó sang “hàng xóm” mà xem, ngành giáo dục lên tiếng biết bao nhiêu lần về chấn hưng, cải cách, nhưng không làm được gì hơn ngoài những cố gắng viết thêm được những câu khẩu hiệu mới.

VN vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu thuộc LHQ xếp hạng trí tuệ toàn cầu (chỉ số đổi mới/sáng tạo) năm 2012 đứng thứ 76 trong tổng số 141 nước, nếu tính thứ hạng mấy năm nay là ở mức dưới trung bình. Còn đại học VN từ lâu hô hào phấn đấu có một trường lọt vào top 200 thế giới, nhưng năm vừa rồi cũng chỉ nằm trong nhóm 2.000. Lấy vài ví dụ từ các anh “hàng xóm” của thể thao để thấy rằng, cái nền tảng mà chúng ta đang đứng là cái cần phải cải cách trước để đạt chất lượng như một đường băng hoặc bệ phóng.

Theo Lao động


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm