Thận trọng để biển khỏi bị 'đầu độc' thêm lần nữa…

28/04/2016 07:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, hôm nay và có thể nhiều ngày tiếp theo nữa, chúng ta biết nói chuyện gì ngoài chuyện cá chết? Nói chuyện gì cũng cảm thấy lãng phí thời gian, cũng cảm thấy quá thờ ơ vô cảm với hàng triệu đồng bào, với vùng biển nơi khúc ruột của Tổ quốc đang bị “đầu độc” bởi các độc tố do con người hoặc do tự nhiên.

Mà nói chuyện cá chết, thì phải nói đến nguyên nhân, hay cụ thể hơn là phải quy được trách nhiệm.

Cuộc họp báo được chờ đợi nhất trong ngày hôm qua đã diễn ra vào khoảng 20h tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nó rất có thể không làm hài lòng được tất cả mọi người, khi chưa đưa ra được kết luận cụ thể về nguyên nhân cá chết, nhưng xét cho cùng thì sự thận trọng này là cần thiết.

Cuộc họp báo có thể không làm hài lòng tất cả mọi người, bởi ai cũng muốn phải có kết luận ngay, rằng ai hoặc cái gì gây ra thảm cảnh này.


Nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung vẫn còn để ngỏ

Còn Thông báo được đưa ra tại cuộc họp báo thì vẫn dùng từ “có thể”: (Có thể có 2 nhóm nguyên nhân chính gây cá chết. Một là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ).

Ngoài ra, Thông báo còn dùng mệnh đề phủ định “chưa có” (chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy về hiện tượng cá chết hàng loạt).

Có thể không thỏa mãn tất cả mọi người, nhưng xét cho cùng thì sự thận trọng này là cần thiết.

Bộ TN&MT nhấn mạnh: Đây là vấn đề phức tạp, đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đòi hỏi phải có thời gian để xác định nguyên nhân. Có những trường hợp, nhiều nước phải mất nhiều năm để tìm ra nguyên nhân. Mặc dù người dân và cả xã hội hết sức quan tâm, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm công bố nguyên nhân, tuy nhiên để xác định được cần thiết phải nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản, dựa trên các chứng cứ khoa học.

***

Tất nhiên thận trọng không có nghĩa là chậm chễ.

Nhưng nếu nóng vội, rất có thể biển sẽ bị "đầu độc" thêm một lần nữa.

Quan sát trong dư luận những ngày vừa qua, ta có thể thấy một số biểu hiện nóng vội.

Chẳng hạn  17 con cá chết trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng vừa qua đã gây ra một cơn địa chấn mới đối với “thành phố đáng sống” này. Sở NN&PTNT Đà Nẵng ngay sau đó đã vào cuộc và cho rằng: “Qua tìm hiểu từ các ngư dân, những ngày qua hiện tượng cá chết xuất hiện lác đác trên bãi biển Đà Nẵng là bình thường”.

Sở cũng than thở rằng, sau khi có thông tin về việc cá chết, tâm lý chung của người dân là có chút e ngại khi ăn cá biển dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm khai thác tại các chợ giảm mạnh.

Thông tin tiếp theo cho thấy, du lịch Đà Nẵng ít nhiều đã bị “vạ lây”.

Sự trấn an của TP. Đà Nẵng chẳng biết có tác dụng đến đâu thì cầu thủ Công Vinh trong ngày hôm nay đã viết status chia sẻ: “Tập huấn ở Đà Nẵng ... Cơm chỉ có cá và thịt lợn , không dám ăn lợn vì sợ chất cấm gây ung thư, ăn ít cá với cơm thì mình và Âu Văn Hoàn đều bị nôn ói. Sợ quá ăn gì để sống đây ??? Mọi người cẩn thận khi ăn cá biển vào thời điểm này nhé”.

Như vậy dư luận biết tin ai?

***

Cá chết là vụ việc nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của giống nòi, cho nên sự trấn an thôi chưa đủ. Trấn an đôi khi phản tác dụng, nếu như không kiểm soát được tình hình.

Thiệt hại từ nghề cá, từ du lịch vẫn chỉ là trước mắt. Hôm qua, dấy lên thông tin về việc bắt được xe đông lạnh chở nhiều tấn cá… lờ đờ sắp chết. Chiều qua lại có thông tin bắt được 7 chiếc thuyền thu gom cá chết ở Quảng Bình…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chiều qua cũng vừa ký Công điện về việc nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế (kể cả làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm).

Nhưng thực tế thì ai dám đảm bảo là số cá chết từ những ngày đầu tiên đến giờ không bị trà trộn vào thị trường thủy hải sản, được cất trữ hoặc chế biến thành các loại thực phẩm bẩn?

Nếu không kiểm soát tốt thì nỗi sợ thủy, hải sản sẽ còn kéo dài, kể cả sau khi đã có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết.

Và nếu như thế, vô hình trung, biển miền Trung, vốn đã chịu nỗi đau bởi sự đầu độc giấu mặt thì rất có thể sẽ bị bồi thêm một nỗi đau mới, bởi chính sự nóng vội trong thông tin và sự lúng túng trong kiểm soát tình hình.

Đừng để biển bị “đầu độc” thêm một lần nữa.

Có lẽ trước khi tìm ra nguyên nhân, trong thời gian sớm nhất, Bộ Nông nghiệp cần cung cấp các kết quả phân tích độc tố và đưa ra khuyến cáo về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước ven bờ và có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển trên địa bàn.

Chưa có ngay kết luận về cá chết, thì có nghĩa là chúng ta phải “chung sống” với quốc nạn này trong một thời gian nữa.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm