Tết, tết, tết...hết rồi!

03/02/2012 10:35 GMT+7

(TT&VH) - 1. “Tiêu dùng tăng vọt, sản xuất đình trệ vì nghỉ Tết dài”. Đó là đánh giá trong báo cáo cập nhật mới công bố của Tổng cục Thống kê. Tôi không rõ tình trạng đó bị xem là hậu quả (hay kết quả), nhưng điều đó đã được dự báo từ trước, khi lần đầu tiên, chúng ta được hưởng một kỳ nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày, thay vì chỉ có dăm ba ngày như trước đây.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm tới 11,1%. Các sản phẩm khác như quần áo may sẵn, quần áo dệt kim; giấy bìa các loại; thuốc ống các loại; sứ vệ sinh... ước thực hiện trong tháng Tết cũng đều giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Điều đó là hiển nhiên thôi, khi tháng 1 này, từ khi khúc nhạc "Tết, tết, tết, đến rồi" ngân vang trong đầu mọi người, thì tất cả chúng ta đều hối hả làm cho xong công việc để còn nghỉ Tết, và rồi còn chúc tụng, du xuân, dền dứ tháng Giêng chán chê mới có thể khởi động lại được bản thân mình và làm cho công việc đạt tốc độ, hiệu suất như ngày thường. Tính theo số ngày công, thì kỷ nghỉ Tết kéo dài đến 1/3 số ngày trong tháng nên khối lượng công việc làm được trong cả tháng phải giảm đi là đương nhiên.

Sau Tết Dương lịch lại tiếp Tết Âm lịch, hoạt động sản xuất
bị gián đoạn và ảnh hưởng - Nguồn: Dân Trí

2. Nhưng người ta cũng nói rằng, để kinh tế phát triển thì không chỉ cần sản xuất thật nhiều, làm thật lắm thật khỏe, mà còn phải "kích cầu tiêu dùng" nữa, tức là phải ăn, phải chơi để xài hết những gì sản xuất ra, và qua đó làm cho cơ thể kinh tế được lưu thông, khỏe mạnh. Điều đó cũng không cần phải bàn cãi nữa.

Tuy nhiên vấn đề là tiêu dùng những cái gì và tiêu dùng như thế nào? Việc ăn tiêu hay những chuyến du xuân có thể bồi bổ cả về mặt vật chất và tinh thần cho mỗi người, nếu như đó là cách ăn, cách chơi có điều độ. Nhưng điều đó có vẻ chỉ thuần túy là lý thuyết khi ngày Tết ở đâu cũng bung ra sự xa xỉ, quá độ, thừa mứa.

Thịt, cá tiêu thụ mạnh là dấu hiệu của cái tết no đủ. Nhưng mặt hàng thuốc lá ước sản xuất được xấp xỉ 70,2 triệu bao, tăng mạnh tới 15,5% so cùng kỳ năm trước thì rõ ràng sẽ tỉ lệ thuận với số ca phát bệnh ung thư phổi sẽ phát hiện vào cùng kỳ một vài năm tới. Và rồi bao nhiêu chai rượu ngoại, bao nhiêu lít bia được tiêu thụ trong dịp Tết này?

Ngày Xuân, những tờ 10, 20, 50 ngàn đồng bỗng trở nên như lá đa, lá mít trong ví của nhiều người, khi đi đến đâu cũng phải rải ra để "lì xì". Những người nhiều quan hệ, phải đi chúc tụng nhiều thì vài ba triệu đổi ra tiền lẻ chỉ có vài ngày là "rải" hết. Còn đi lễ đình, lễ chùa, những tờ tiền lẻ rải ra như lá rụng mùa thu. Những tờ hai trăm, năm trăm vung vãi khắp nơi, trẻ con thành phố không nhặt trộm như ở thôn quê.

3. Khuya mồng 8 Tết, tình cờ ra ngoài ngõ thấy có bà bán rau ngồi bệt trên chiếc đòn gánh trong bóng tối, hai sọt su hào hai bên. Hỏi ra mới biết, rau rẻ quá, nhổ từ ruộng lên từ sáng, bán mãi không hết, nên đi rong vào trong khu phố. Gánh đến đây thì mệt quá, nên tạm nghỉ. 10 ngàn 5 củ su hào. Mở một phong bao lì xì ra, 50 ngàn, mua được 25 củ. Lại vét nốt số tiền lẻ đi lễ chưa rải hết, mua thêm được gần 20 củ nữa.

Bà cụ cảm ơn rối rít. Đêm mồng 8 Tết, bà cụ tênh tênh gánh hai sọt su hào còn lại ra về.

Bao giờ thì “Tết, tết, tết…” thực sự hết nhỉ?

Trần Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm