Tết Tây, Tết ta và Tết của tôi

31/01/2014 07:12 GMT+7



(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc tranh luận được khơi mào từ phát kiến của Giáo sư Võ Tòng Xuân cách đây 2 năm: Nên bỏ Tết Nguyên đán (1/2012)! Lại một lần nữa gây nóng trên các diễn đàn khi Tết Dương lịch vừa qua và Tết Nguyên đán đang đến gần. TT&VH Cuối tuần số Tất niên xin dành một thời lượng đáng kể cho chủ đề này với những góc nhìn đa diện.

1. Năm ngoái, tôi có viết cho báo Nông thôn ngày nay số Tết bài Có khi nào không còn Tết? để khẳng định Tết ta sẽ còn mãi mãi. Năm nay thì hơi giật mình khi đêm Giao thừa Tết Tây tôi được làm khách mời lễ hội đếm ngược chào năm mới tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Một cảnh tượng náo nhiệt đến kinh hoàng do hàng vạn bạn trẻ chen lấn xô đẩy chỉ thiếu nước giẫm đạp lên nhau để bày tỏ sự hân hoan phấn khích chào mừng năm mới Dương lịch trong tiếng nhạc đinh tai nhức óc và ánh sáng quét của đèn pha, đèn laser, một không khí Tết Tây rất Tây mà tôi chưa từng chứng kiến.

Tết ta năm ngoái một số bạn trẻ bỏ Hà Nội để đi phượt hoặc nếu là gia đình thuộc  tầng lớp trung lưu thì theo bố mẹ đi chơi ở nước ngoài, số người có quê gốc ngoại tỉnh thì về quê, để lại một Hà Nội vắng vẻ êm ả đến lạ thường. Tết Tây này thì ngược lại. Nó đã được chào đón như một sự kiện đặc biệt quan trọng. Nhìn những bạn trẻ nhún nhảy theo tiếng nhạc kích động được khuếch đại bởi công nghệ âm thanh tân kỳ mới hiểu họ vui sướng đến cỡ nào, đâu có giống những lúc họ phải vào bếp nấu nướng lo cỗ bàn ngày Tết hay miễn cưỡng theo bố mẹ đi chúc Tết họ hàng.

Có vẻ Tết Tây mỗi năm mỗi “hoành tráng “ hơn, còn Tết ta, mỗi năm mỗi nhạt dần, chỉ được cái nghỉ dài ngày tha hồ mà xả hơi xả láng. Năm nay Tết ta chưa đến nhưng theo quy luật cái này mà xôm lên thì cái kia phải yếu đi. Thế này nhé: đêm Giao thừa ta, lặng lẽ ngồi bên ti-vi để xem chương trình tấu hài chuyện táo quân lên chầu Ngọc hoàng, rồi nghe Chủ tịch nước đọc lời chúc Tết, xong tắt đèn đi ngủ. Hết phim. Làm gì có cái Lễ hội Countdown hoành tráng như vừa rồi.

Mở Yahoo tôi thấy mình thật lạc hậu khi đọc thấy dòng tin này:

“Vài năm trở lại đây, cứ dịp cuối năm Heineken lại tổ chức các chương trình Chào năm mới tại các thành phố lớn của Việt Nam với sự tham gia của các DJ, nghệ sĩ nổi tiếng nhằm mang đến không gian sôi động, không khí ấm cúng cho khán giả Việt giúp mọi người xích lại gần nhau và cùng đếm ngược chào đón năm mới”. Hóa ra bây giờ mình mới biết. Một hãng bia ngoại quốc đã làm được điều này: Tây hóa Tết Việt mà chẳng cần phải tuyên truyền gì cả. Và với việc nhận làm khách mời chính tôi cũng vô tình tham gia vào việc Tây hóa này một cách thật hồn nhiên!

2. Trong các nước đồng văn: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, chỉ có Nhật Bản là bỏ Tết Âm lịch cách đây cả trăm năm (dưới thời Minh Trị Thiên hoàng) để ăn Tết Tây. Còn lại thì chắc vẫn Âm lịch thôi. Người Nhật bỏ Tết Âm lịch vì đó là một dân tộc siêng năng. Sang giai đoạn công nghiệp hóa, họ không  muốn có lắm Tết để “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như người mình. Cái lý do thuộc về “năng suất lao động” này có vẻ như không có ở nước ta. Thế mà hình như Tết Tây ở ta vẫn có vẻ đang được chào đón như bên Nhật. Cô MC đài truyền hình nói với tôi rằng đó là xu thế của giới trẻ, một sự hội nhập quốc tế tích cực. Tôi nghĩ rằng cô ấy đã nói đúng. Nhưng trên đời này có những cái đúng, cái có lý không thể chối cãi được, đành phải thừa nhận, nhưng mà mình... không thích. Cái việc Tết Tây đang thắng thế là một ví dụ.

Lễ hội đếm ngược giờ đêm Giao thừa Dương lịch không phải là lễ hội Tết truyền thống của người Việt, nó mới du nhập vào Việt Nam đến nỗi bây giờ tôi mới biết. Kẹt giữa hàng vạn người chen lấn, xô đẩy, nhảy nhót, lắc lư cơ thể theo tiết tấu nhạc phương Tây, hoa mắt vì ánh sáng của các loại đèn kỹ thuật tân kỳ, đinh tai nhức óc vì âm thanh khủng và thứ nhạc điện tử pha trộn của các DJ, tôi bỡ ngỡ, hoang mang giống như mình đang ở bên Tây vậy. Là khách mời, tôi vẫn thấy mình lạc lõng song vẫn cố “diễn” cho tròn vai và cố gắng “hội nhập” với cái trào lưu mà mình mơ hồ cảm thấy nó sẽ là của tương lai. Tôi không biết người Nhật họ tổ chức Tết Tây như thế nào. Có bắt chước Tây như ta không. Chứ còn nếu bỏ Tết ta mà chỉ có Tết Tây kiểu như thế này thì đúng là hết rồi Tết ơi...

Giới trẻ Việt Nam vui đón Giao thừa Tây

3. Hết rồi, Tết ơi... thì làm sao?

Sẽ không làm sao cả đối với những người coi Tết ta chỉ là những kỳ nghỉ dài ngày. Bỏ Tết ta thì nghỉ ít đi nhưng có cái lợi đỡ lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc. Giữa tiền bạc và sự nghỉ ngơi cùng những giá trị tinh thần khác, con người của thời đại kim tiền sẽ lựa chọn tiền bạc.

Với tôi thì khác. Cũng có làm sao đấy. Tết không phải là một kỳ nghỉ dài ngày. Nếu dài quá thì rút ngắn lại. Vấn đề ở chỗ Tết là một cái gì rất khác biệt. Đấy là cơ hội để nối lại sự xa cách với bạn bè và những người ta yêu mến, củng cố lại sợi dây gia đình đang rất lỏng lẻo, bởi vì Tết là đoàn tụ. Đấy cũng là cơ hội để ta  trở về “miền sâu thẳm” của lòng ta: cái ký ức về ngày tháng cũ, nơi chốn cũ, con người cũ khi ta tần ngần thắp một nén nhang trước bàn thờ ông bà phút Giao thừa, tần ngần trước cổng  nhà, nơi mà vì công việc ta đã phải rời xa, và giây phút im lặng thiêng liêng chờ đợi thời khắc chuyển giao năm cũ sang  năm mới... Tết Âm lịch, âm là chứa đựng, là ẩn giấu. Nó nuôi dưỡng cái văn hóa truyền thống đặc sắc và riêng biệt trong mỗi tâm hồn người Việt. Có âm thì mới có dương, người Á Đông là như vậy.

Nhưng liệu các bạn trẻ có muốn cái “sợi dây” bè bạn, gia đình kiểu như tôi muốn không? Có thích nuôi dưỡng cái truyền thống văn hóa đặc sắc riêng biệt như thế hệ bọn tôi không? Và liệu có “miền sâu thẳm” để trở về?... Những câu hỏi như thế tôi không thể trả lời. Đó là vấn đề của xã hội, của văn hóa, của giáo dục chứ chưa hẳn là của chính bản thân họ.

4. Tôi, quả thực sau Giao thừa Tây 2014 này, bắt đầu hoang mang với ý nghĩ rồi Tết ta sẽ không còn nữa. Chúng ta đã để mất nhiều thứ, những thứ còn vớt vát lại thì đang làm hỏng nó. Bây giờ đến lượt Tết ta.

Lịch sử có lẽ đang sang trang mới, chẳng biết nên buồn hay nên vui. Tôi ngồi đây trong đêm Đông giá, chẳng “giọt mưa nào rơi” để lắng nghe mùa Xuân về. Nhưng hơn mười ngày nữa sẽ là Giao thừa và mùa Xuân của đất trời thì chẳng ai cản được, nó vẫn ùa về để tôi vẫn có cái Tết của tôi, cái Tết tôi mang theo suốt cả cuộc đời mình.

Nhạc sĩ Dương Thụ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm