Tết dài có nên?

28/02/2013 14:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mùng 4 Tết, ngồi uống nước và ăn cao lầu ở Hội An, người bạn đi cùng kiểm tra tin nhắn từ điện thoại rồi buột miệng than trời: “Ôi, ông này không biết chọn ngày để qua đời, chết nhằm vào mấy ngày này thì báo chí có muốn đưa tin hỗ trợ cũng không được!”.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, thuở đời nay, có hai việc con người không thể chọn được, đó là ngày sinh ra đời và ngày mất đi. Có những người tự tử còn được cứu sống lại, có những người bị tai nạn lăn ra chết cái đùng vào ngay ngày đám cưới của mình. Cách nào đâu mà chọn để đừng qua đời vào trong mấy ngày Tết chứ? Làm tôi nhớ đến nhiều năm về trước, khi tôi còn làm việc với tập đoàn của Nhật, họ luôn sợ hãi những ngày Tết của Việt Nam, toàn bộ các guồng máy chính quyền ngưng hoạt động, giấy phép chờ duyệt, tiền chờ chuyển, hàng hóa chờ gửi, người chờ nhân sự, việc chờ người. Mà đâu phải hết Tết là xong đâu. Việt Nam có tục liên hoan Tất niên, mừng một năm đã qua, sau Tết lại một loạt liên hoan Tân niên, mừng một năm mới vừa đến. Ăn Tết Tây xong là ăn Tết ta. Qua rằm tháng Giêng Âm lịch là khởi động cả một loạt các lễ hội đầu năm ở phía Bắc. Mừng hết cái đã qua rồi cái vừa đến, uể oải mệt và chậm chạp trở lại công việc vì “ăn Tết” nhiều quá chưa kịp tiêu hóa hết thì vừa vặn gần hết một quý đầu năm.

Gặp một nhóm bạn trẻ khác, họ chẳng quan tâm đến chuyện ai sống ai chết, họ chỉ khoái việc Tết được nghỉ nhiều ngày, tha hồ đi chơi mà khỏi phải mất thêm ngày phép. Giới trẻ ngày nay không thích Tết ở cái đoạn phải tiếp khách, đi chúc Tết, quá phiền phức và tốn kém, đi làm cả năm trời rồi, Tết với họ là một dịp để chăm sóc bản thân và dành thời gian vui với gia đình riêng mà thôi. Họ gọi là “trốn Tết”. Tức là họ đi du lịch nước ngoài hoặc đi về các tỉnh, nhân dịp này để thư giãn và khám phá những vùng địa lý mới. Tôi hỏi họ: “Nếu đã trốn Tết, vậy thì ăn Tết ta làm gì? Sáp nhập Tết Nguyên đán vào chung một lần với Tết Tây, làm như người Nhật đấy!”. Họ cười và bảo rằng: “Ối, dại gì, mình trốn Tết thôi chứ có trốn đi chơi đâu nào”.

Anh tôi có một công ty về IT ở Mỹ, em trai tôi làm trưởng đại diện cho công ty đấy tại Việt Nam. Cả hai bên đều không nghĩ Tết ta dài ngoằng như thế. Ở Mỹ thì không nói đến rồi, ngày lễ lớn nhất trong năm là Giáng sinh và Tết Tây. Người Việt ở nước ngoài những ngày Tết vẫn miệt mài lao động y như dân địa phương. Ở Việt Nam thì đỡ cái là ban ngày, em tôi có thể “nghỉ Tết”, nhưng ban đêm thì vẫn cặm cụi cắm mặt vào vi tính để liên hệ công việc với nước ngoài. Hỏi em: “nghỉ Tết mà vẫn phải làm như thế thì cực quá không?”. Em tôi trả lời: “Vì tính chất công việc, hợp đồng nước ngoài có những thời hạn cụ thể, trong thời hạn cụ thể đấy có bao giờ cho phép “trừ bì” ngày Tết vào đâu. Trong lúc Việt Nam nghỉ Tết, thế giới công việc ngoài kia vẫn cứ xoay chuyển liên tục không ngừng, mình mà ngừng lại thì mất hợp đồng mà thôi. Công việc được tính theo từng giờ từng phút.

Cứ muốn hội nhập với quốc tế mà vẫn khư khư giữ những quyền lợi riêng rất cục bộ, thì làm cách nào mà hội với nhập. Chả có công ty nào chấp nhận được chuyện: à, chúng tôi trễ hợp đồng này vài ngày vì chúng tôi bận đón Tết. Họ sẽ ậm ừ lịch sự OK, OK, rồi đi chọn đối tác khác, mất hợp đồng, không đủ thu nhập thì có Tết cũng như không”.

Để thay đổi phong tục tập quán “ăn Tết” kiểu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” của Việt Nam, để theo được bước chân của Nhật, có lẽ vấn đề chính là tâm linh. Những gì “nên” hay “không nên” tồn tại từ đời này qua đời khác, hiện nay cũng đã dần thông thoáng đi nhiều rồi, một vài thay đổi đã bắt đầu.

Tôi chỉ hy vọng rằng, thời điểm để các vị nắm quyền quyết định việc có nên thay đổi chuyện này hay không, sẽ không bị rơi vào dịp Tết.

Lê Phương Thảo
(Nhà thiết kế thời trang, sống và làm việc tại Việt Nam và Mỹ)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm