“Tấm áo khoác” khỏa thân

28/03/2011 14:16 GMT+7

(TT&VH) - Ăn theo ở Việt Nam ta như có một thứ “dớp” trong nghệ thuật, đó là cách ăn theo trước các vấn đề bức xúc của xã hội hoặc của thế giới. Đó là những chủ đề vơ vào nhằm cho sự trình bày của họ đỡ tẻ, tỏ ra là có trí tuệ, có ý thức. Và đó cũng là cách PR có tính phổ biến của thời kinh tế thị trường cho những gì có thể mang lại lợi ích cho mình.

Việc đó cũng không phải khó nhận diện lắm ở trong hoạt động nghệ thuật, môi trường mà tôi quen thuộc.

Vụ ảnh nude của người mẫu Ngọc Quyên phơi trên mạng và dư luận rầm rĩ sang cả báo giấy khiến tôi thấy cần có đôi điều lạm bàn.

Về ảnh nude, lạ với ta trong quan niệm thuần phong mỹ tục và thói quen văn hóa Việt, nhưng quá quen với thế giới phương Tây, tôi thấy chẳng có gì phải xôn xao lắm về chuyện này, nhưng ở đây là câu chuyện khác.

nh nude của người mẫu Ngọc Quyên.

Thà cứ khẳng định luôn sê-ri ảnh nude này của Ngọc Quyên thể hiện ở trên rừng nhằm khoe cơ thể của mình, ai thích thì xem không thích thì thôi, thì chẳng sao cả. Nhưng lấy cớ khỏa thân vì môi trường thì xin lỗi, môi trường chẳng có dính dáng gì ở đây cả. Đúng là chẳng có tý liên kết nào cho nội dung đó trong các tấm ảnh. Người xem chỉ thấy một cô gái lõa thể lúc đứng, lúc ngồi lúc bám vào vách đá, lúc trưng cặp mông tròn thanh xuân, cốt khoe các đường cong, đơn giản để PR cho cơ thể mình, làm gì có chuyện khỏa thân nào cho môi trường. Đã thế tạo hình nhiều bức vô duyên giống như cô gái vừa tắm nude bỗng nhiên gặp người lạ luống cuống che chắn. Rồi có bức lại ngổ ngáo, phơi ra. Không ai là không thấy điều đó.

Cánh họa sĩ chúng tôi thường bảo nhau, vẽ nude đừng để người ta nghĩ đến là đang khám bệnh! Vẽ nude rất khó. Để cho người ta cảm nhận vẻ đẹp cơ thể phụ nữ không phải là chuyện dễ dàng gì. Lại có người bảo vẽ nude nhưng không sex, điều đó cũng chưa hẳn đúng. Vẽ nude làm sao cho người xem phải thấy khát khao. Nhưng khát khao đó phải như một khát vọng để chiêm ngưỡng, chứ không ngả sang dung tục hoặc tệ hơn cho người ta cảm giác “bẩn”. Ở đây tôi xem thấy có nhiều bức cho cảm giác bẩn. Đó là những tấm ảnh thất bại.

Chung quy, sự om sòm này chính là ở chỗ định lợi dụng ăn theo, đem ý tưởng môi trường vào để nhằm ý đồ khác, hoặc là nhiếp ảnh gia tay nghề vụng về đã không thể hiện nổi ý đồ nên gây ra như vậy. Tôi nghĩ chuyện này là tại cả hai, từ người mẫu đến thợ chụp đều chưa chín trong cách xử lý với cái tiêu đề mượn nó để dựa dẫm nên không thể thành công.

Tấm ảnh tự nó nói lên tất cả, hành vi con người chỉ ra tố chất. Vì thế khoác bất cứ tấm áo gì nhằm ăn theo cũng không thể che chắn đựoc. “Tấm áo khoác” khỏa thân vì môi trường không dễ bị lợi dụng nên dư luận phản ứng tiêu cực là chuyên dễ hiểu. Làm nghệ thuật xin đừng ăn theo nữa.

Đỗ Đức (họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm