Tất cả các trục đường quốc lộ dẫn vào thủ đô Hà Nội đều có tình trạng xen kẽ giữa những làng cổ và các khu công nghiệp mới, đặc biệt trục đường Một Hà Nội – Lạng Sơn và đường Năm Hà Nội – Hải Phòng. Các con đường liên tỉnh và huyện cắt ngang qua các tỉnh quanh Hà Nội cũng dày đặc khu công nghiệp. Việc đô thị hóa làng cổ diễn ra một cách tất yếu khi dân cư và khu công nghiệp không được quy hoạch theo xu hướng bảo vệ môi trường, mà phát triển vì lợi ích kinh tế cục bộ. Làng cổ mất đất canh tác từ ít đến nhiều, cho đến mất hoàn toàn và khai thác dịch vụ cho các khu công nghiệp lại là yếu tố nữa dẫn đến đô thị hóa. Đời sống nông dân hay thị dân mới như thế nào ít có những nghiên cứu xã hội học chính thức, nhưng có lẽ trong vòng mười năm tới những sức ép vốn có sẽ trở nên quá tải, và tất nhiên tệ nạn, bệnh tật ngày càng nhiều hơn, gây khó khăn cho phúc lợi xã hội và làm chậm quá trình phát triển.
Đó là những sức ép gì ? Có thể nói ngay được những vấn đề chính như sau : nguồn nước sạch cho sinh sống, rác thải công nghiệp và dân sinh, việc làm do tăng dân số, thiếu lương thực do mất đất và không có thu nhập gì khác, di sản văn hóa và đời sống văn hóa xuống cấp có thể đến mức thấp nhất và sinh ra các tệ nạn vô đạo đức.
Giếng làng vẫn là nguồn cung cấp nước chính ở nông thôn
Thảm hoạ rình rập
Nguồn nước nông thôn vốn phụ thuộc vào nước giếng cộng đồng làng và nước mưa tùy theo cách sử dụng của gia đình. Cho đến nay các làng mạc xung quanh Hà Nội chừng 30 km đều chưa tiến bộ bao nhiêu trong việc khai thác nguồn nước theo kiểu truyền thống. Giếng khoan vẫn là biện pháp chính, song qua hơn 20 năm khai thác giếng ngầm, các mạch ngày càng phải khoan sâu hơn, và nước cũng ngày càng ô nhiễm hơn do tầng mặt chịu nhiều nước thải sinh hoạt chảy loanh quanh và nước thải từ các khu công nghiệp hòa vào sông ngòi và ruộng đồng. Người ta có thể tin sự lọc của nguồn nước này theo số liệu hoặc có thể không tin nếu trực tiếp sống ở các vùng gần đó.
Chưa bao giờ nông thôn chịu sức ép của rác như hiện nay, bởi khâu dịch vụ vệ sinh môi trường hoàn toàn tự lo. Những làng cổ bình quân từ 1000 đến 1500 dân hàng ngày có một chiếc xe ngựa vận chuyển rác thải của làng ra bãi thải. Chúng tôi tính mỗi chuyến xe chở được từ 2 - 2,5 tạ nhân với 5 chuyến/ ngày, vậy mỗi ngày có hơn một tấn rác. Các bãi thải thực ra là tạm bợ ở một vùng ruộng xa làng, hoặc chôn ở bãi sông. Cũng trong vòng mười năm tới đây là một thảm họa môi trường với các nguồn nước và vùng sinh sống.
Thay vì gặm cỏ, những đàn bò gặm... rác
Khi nông thôn hết người biết làm ruộngHầu hết thanh niên làng cổ mất đất có xu hướng thoát ly và thế hệ từ 20 tuổi trở xuống không được học và tham gia làm nông nghiệp nữa. Việc thanh niên thất nghiệp đang là phổ biến, nhưng nông thôn sẽ không có nông dân biết làm ruộng trong vòng vài chục năm nữa là hiện thực. Hiện người ta ước tính có thể mỗi nông dân chỉ thu nhập 400 ngàn/ tháng, có người cho là quá thấp. Nhưng qua khảo sát một số làng, chúng tôi thấy những làng trên 1000 dân chỉ có chừng 10 – 20 người có lương, người trung niên làm ăn có thể có nhiều tiền, nhưng đại bộ phận các cụ già đủ ăn nhưng không có một đồng tiền mặt nào cả. Mỗi tháng chỉ đóng hai lần cho ông sư 2 ngàn đồng cúng rằm, mùng một ở chùa, mà vẫn phải xin con. Và ông sư cũng phải chia lại cho các cụ một phẩm oản một quả chuối, tức là bù lỗ.
Thay vì kiếm việc làm người làng tổ chức hàng loạt các hoạt động dịch vụ cho các khu công nghiệp. Cho thuê phòng trọ, mở hàng quán bán cơm bụi và nước giải khát, hơn nữa là ca phê, caraoke, hơn nữa là massage, và hơn nữa…từ A đến Z. Số lượng công nhân chung sống với người địa phương có khi gần bằng cả làng, và đương nhiên đó là sự tăng dân số cục bộ đòi hỏi cung ứng mọi mặt cũng lên theo cho thích hợp.
Cuối cùng, do sự thay đổi của làng cổ mà các di sản lâu đời vốn có bị xâm hại theo nhiều kiểu, trước tiên do thời kỳ chiến tranh, tiêu thổ kháng chiến và bài trừ mê tín dị đoan các di tích tổn thất nặng nề. Ngày nay sự tiến sát của nhà máy, và nhà ở mà không dành lại không gian tối đa cho di tích, cộng thêm sự nhiệt tình sửa chữa theo kiểu làm mới, văn hóa truyền thống nông thôn có thể đến chỗ không có gì. Con người trơ trụi trên một mảnh đất không truyền thống, ô nhiễm, thiếu việc làm… sinh ra tệ nạn là điều đương nhiên. Đó là điều trong y học phương Đông từng bàn, cơ thể vốn khỏe mạnh, tự mình làm cho nó mất cân bằng, quân thần phụ tử đảo điên, dẫn đến ngũ quan nổi loạn sinh bệnh tật. Nhìn ra xã hội thì cũng như vậy. Bệnh tật chả phải từ ngoài đến mà tự mình chuốc cho mình.
Phan Cẩm Thượng 2013
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần