19/06/2013 07:49 GMT+7
1. GS Nguyễn Văn Hạnh, người có thời gian dài làm trợ lý cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cho rằng: “Thu Bồn sống hết mình và chân tình với đất nước khi ông vào quân đội năm 12 tuổi, trải qua bốn cuộc chiến tranh lớn: chống Pháp, chống Mỹ, Tây Nam và biên giới phía Bắc. Khi đang yên ổn ở vị trí giảng viên một trường quân sự, Thu Bồn đã xin đi vào chiến trường và trở thành một trong những văn nghệ sĩ vào chiến trường sớm nhất thời chống Mỹ.
Thu Bồn sống hết mình và chân tình với văn chương, ông đã để lại cho đời 13 tác phẩm văn xuôi với phần lớn là tiểu thuyết và 13 trường ca. Thu Bồn sống hết mình và chân tình với tình yêu, gần như những người phụ nữ từng yêu Thu Bồn đều không hề quên ông. Thu Bồn sống hết mình và chân tình với bạn bè, điều này thể hiện rõ qua cuốn sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề... dâu bể, tôi ít thấy nhà văn nào lại có số lượng bài viết về mình nhiều như Thu Bồn”.
Vâng, lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn tại TP.HCM được tổ chức do những người bạn không bao giờ quên ông thực hiện. Nhà văn Ngô Thảo và nhà văn - doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn đứng ra tập hợp bản thảo, bỏ tiền in cuốn sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề... dâu bể. Rồi lại chính hai ông đi phát thư mời cho những người yêu quý Thu Bồn đến dự lễ. Tình bạn trong sáng, vô tư ấy của các ông không biết thời nay trong giới văn chương có mấy người giữ gìn được?!
2. Tại lễ kỷ niệm 10 năm này, nhiều ý kiến cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM nên làm các thủ tục đề nghị Nhà nước trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật” cho Thu Bồn. Bởi theo nhiều người, Thu Bồn là một trong những tác giả hàng đầu trong thế hệ các nhà văn chống Mỹ. Nhiều nhà văn cùng thời với Thu Bồn đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh, lẽ nào ông lại không được?
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết: “Trong đợt xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Thu Bồn là người đứng đầu danh sách này, còn tôi đứng cuối bảng Giải thưởng Hồ Chí Minh. 10 năm ngày Thu Bồn qua đời, thiết nghĩ chúng ta cần phải làm một điều gì đó có ý nghĩa cho anh”.
Nhà văn Ngô Thảo lại nói: “Thực ra, xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Thu Bồn là việc ý nghĩa cần phải làm vì những người đang còn sống chứ không phải vì Thu Bồn. Chúng ta không làm điều này thì người thiệt thòi là chính chúng ta và các thế hệ sau, bởi Thu Bồn quá xứng đáng để nhận giải thưởng cao quý đó”.
3. Với một nhà thơ đã sống hết mình và chân tình như Thu Bồn, có lẽ khi sống ông không hề nghĩ đến những quyền lợi cho bản thân. Thu Bồn có với người vợ đầu hai người con, một người đã mất vì bệnh, người còn lại cũng không được bình thường. Những người thân với Thu Bồn khẳng định, bệnh trạng mà con cái của Thu Bồn gặp phải đều bắt nguồn từ các di chứng chiến tranh mà Thu Bồn trải qua, không loại trừ cả chất độc da cam do Mỹ thả xuống những cánh rừng Việt Nam.
Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất Thu Bồn, tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều người đã mua cuốn sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề... dâu bể. Được biết, tất cả số tiền phát hành cuốn sách này đều được dành tặng người con trai duy nhất của Thu Bồn để anh chữa bệnh.
Sống chân tình với đất nước, với văn chương, với tình yêu và với bạn bè như Thu Bồn, nên chắc chắn đời không thể quên ông.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất