Sốc với cảnh khách thăm quan ‘đục khoét’ di sản thế giới Mỹ Sơn

01/05/2015 09:51 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) –Nhóm Cán bộ Đầu mối Di sản thế giới tại Việt Nam mới đây chia sẻ hình ảnh trên diễn đàn Phượt với câu chuyện không vui về “một người đàn ông cầm một cục đá cạo những mảng rêu và gạch vụn trên tường ngôi tháp cổ ở Khu di tích Mỹ Sơn cho vào túi nylon mang về”.

Xung quanh, những người bạn của người đàn ông này đều cười nói mà chẳng có phản ứng gì. Khi bị ngăn cản, người đàn ông này cười vui vẻ: “Đi về phải biết cái tháp này làm bằng cái gì chứ...”




2 bức ảnh được nhóm Cán bộ đầu mối Di sản thế giới tại Việt Nam chia sẻ từ diễn đàn Phượt

Sau khi những hình ảnh trên được chia sẻ, nhiều cán bộ, nhà nghiên cứu cho rằng những hành động tương tự trên “nhiều vô kể” bởi nó diễn ra phổ biếu ở hầu khắp các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, nhưng hình như chưa từng được lên án. Đó là việc ký tên, viết nhăng cuội để "lưu danh" vào di tích, làm biến dạng và rồi... biến mất di tích. Mà đây mới chỉ là di sản vật thể, dễ nhìn thấy...

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Lưu Hùng, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam chia sẻ với PV Thethaovanhoa.vn rằng: “Trước đây, trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có trưng bày chiếc trống đại tại phòng dẫn nhập (tầng 1, tòa nhà Trống đồng). Khách tham quan ký tên và viết bậy vào kín đặc khắp mặt ngoài tang trống, nên Bảo tàng phải đem trống cất đi. Có khi đến một lúc nào đó, cần trưng bày về... cái tệ này ở người Việt Nam thì chiếc trống sẽ trở thành một chứng tích có giá trị!”

“Không chỉ thế, thậm chí những cây tre trồng ở khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng cũng bị khách tham quan khắc tên của họ vào đấy” – ông Lưu Hùng bức xúc: “Ngay mới đây thôi là hành động người người đua nhau vượt rào vào tắm trong Công viên nước Hồ Tây. Cho nên tôi tâm đắc với ý kiến cho rằng: Có thể kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, nhưng về văn hóa thì có những mặt không tỷ lệ thuận theo, và nâng cao văn hóa khó hơn nhiều, lâu hơn nhiều so với nâng cao kinh tế và vật chất".

Tiến sĩ Lưu Hùng khẳng định, những điều tưởng chừng khó hiểu và gây bức xúc như trên phản ánh thực trạng đời sống hiện nay. Rồi dần dần tình hình sẽ được cải thiện, nhưng chắc sẽ lâu, rất lâu.

Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn: Tường tháp không xây xát gì!

Xung quanh sự việc trên, ông Nguyễn Công Khiết - Phó Trưởng Ban quản lý khu di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết: "Qua xem hình ảnh gửi kèm, Đội an ninh Bảo vệ Mỹ Sơn đã nghiêm túc kiểm tra, xác minh lại hình ảnh một mảng tường đó là nằm ở phía Tây Bắc đền C1 tại khu Di tích Mỹ Sơn. Tường tháp không bị tác động, phá hoại hay xây xát gì cả so với hình ảnh được phản ánh”.

Tuy nhiên, ông Khiết nhấn mạnh: "Thông tin trên là dịp để những người làm công tác trong ngành Văn hóa đặc biệt là quản lý, bảo vệ di sản hết sức cảnh giác”.




BQL Khu di tích và du lịch Mỹ Sơn khẳng định tường tháp không xây xát gì! Ảnh ông Khiết cung cấp.


An Như


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm