Sờ đầu rùa và chạm vào lịch sử

01/08/2011 16:35 GMT+7

(TT&VH) - Lại và lại một mùa thi tuyển sinh ĐH nữa “thất bát” về điểm môn lịch sử. Một tờ báo thống kê: “Nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình. Thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn sử...”. Còn các trường địa phương, có thể tóm gọn, hơn 98%, thậm chí 99% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình.

1. Làm sao lịch sử có thể hấp dẫn các em bằng những thông tin giải trí ngày càng xuất hiện tràn lan?! Bên cạnh đó, truyền thông lịch sử của chúng ta chưa biết cách “sử hóa” bằng các loại hình nghệ thuật khác như văn học hay điện ảnh một cách sống động thì làm sao chúng ta có thể chuyển tải được các sự kiện lịch sử của dân tộc vào những “bộ óc” đang ngày càng bị phân tán năng lượng bởi hàng tá các môn học, hàng trăm trò vui chơi, giải trí hấp dẫn khác trong thời kỳ hội nhập và cả sự áp đặt khô khan, cứng nhắc của người lớn?

Thí sinh đến sờ đầu rùa tại Văn Miếu Quốc Tử Giám mong đỗ đạt - Nguồn: Internet

2. Người viết bài này đã từng đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước ngày các sĩ tử bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay và đã chứng kiến một cách “truyền thông lịch sử” của một sinh viên tình nguyện vô cùng hiệu quả. Chả là đến kỳ thi ĐH hàng năm, rùa đội bia đá ở Văn Miếu được “canh chừng” cẩn thận. Cho nên nhiều sĩ tử đến đây hòng “sờ đầu rùa” cầu may không những không thể thực hiện được mà còn mất cơ hội tiếp cận được bảng thông tin về văn bia treo phía trong nhà bia. Hầu hết các sĩ tử chỉ biết kiễng chân chen nhau nhìn và nhìn.

Tranh thủ, anh sinh viên tình nguyện niềm nở nói với các sĩ tử về lai lịch của các bia tiến sĩ, và qua đó nhấn mạnh rằng, những tấm bia tôn vinh hiền tài này hoàn toàn không thể nào mang lại “may mắn cho thi cử” hay nói trắng ra là “trúng tủ” được đâu. Tranh thủ, anh còn nói thêm, nào là: Văn Miếu được xây dựng năm nào, thờ ai? Kiến trúc Khuê Văn Các có ý nghĩa gì, do ai thiết kế, vào năm nào? Vì sao những “pho sử đá” đang hiện hữu trước mặt các em lại được UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới...

Nghe anh thành niên tình nguyện nói, nhiều sĩ tử lấy giấy bút ra ghi, tôi hỏi một sĩ tử ghi làm gì, trên mạng có đầy, có thể về mà tra. Một em trả lời: “Những cái như thế này mà không làm phim để phát sóng hoặc bán rộng rãi. Mua phim về, cả nhà, cả xóm em xem vừa được nhiều, vừa chính xác, chứ chả nhẽ kéo cả nhà lên mạng để xem ư?”.

3. Giáo dục, nhất là giáo dục lịch sử không phải là đóng hộp các sự kiện của quá khứ trong những trang giấy, truyền đi một chiều qua người thầy mà cần phải truyền thông bằng nhiều cách. Phải làm sao những sự kiện lịch sử, những con người, những số phận... của quá khứ sẽ hiện ra sống động khiến các sĩ tử cảm thấy như có thể chạm vào, “sờ” vào được (thay vì phải “sờ đầu rùa” hòng cầu mong trúng tủ). Bằng cách đó, lịch sử sẽ chảy ngược theo từng mạch máu, thấm sâu vào trí não mỗi người một cách tự nhiên vậy.

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm