Sinh ra trong giông bão

20/08/2016 09:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là những cơn bão đầu mùa đã đến. Nghe những tin tức từ Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn và từ báo chí mà chúng ta thắt ruột lo lắng. Mưa bão là quy luật nặng nề mà mảnh đất hình chữ S luôn oằn mình gánh chịu. Như người lính biển Trần Đăng Khoa đã viết trong bài thơ tình làm thổn thức trái tim: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Cơn bão chưa nguôi trong tâm hồn biết bao người”.

Đúng thật, nỗi đau làm sao mà nhanh nguôi ngoai được. Mới đây thôi, cơn bão số 1 được coi là “nhẹ” mà mấy tỉnh miền Bắc hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề với 7 người thiệt mạng và hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại.

Kề sau đó, 13 người chết và mất tích là con số đau lòng do bão số 2 gây ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Và hàng nghìn tỷ đồng tài sản nữa của người dân và đất nước là bị phá hủy. Mùa bão năm nay mới bắt đầu, sẽ còn hàng chục cuộc tai biến nặng nề hơn thế đổ bộ vào đất nước, không chỉ là miền Bắc mà cả miền Trung, miền Nam.


Nhiều tuyến phố Hà Nội bị ngập nặng trong cơn bão số 3. Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN

Và mấy ai có thể quên năm nay là tròn 10 năm cơn bão lịch sử Chanchu tràn vào miền Trung nước ta. Không đổ bộ đất liền, nhưng bão Chanchu năm 2006 đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung dưới lòng biển, chỉ 20 người được tìm thấy xác.

Chanchu là cơn bão đầu tiên vào biển Đông trong năm 2006, có cường độ mạnh, sức tàn phá chỉ sau cơn bão thế kỷ Linda xảy ra tháng 11/1997 phá hủy một phần bờ biển từ Bình Thuận đến Cà Mau. Hàng nghìn người chết và mất tích. Rất nhiều ngư dân miền Trung, miền Nam đã bỏ mạng. Đất nước có rất nhiều những ngôi mộ chiêu hồn như ở đảo Lý Sơn. Mộ đắp bằng cát biển. Bên trong, thay cho thi hài được nặn bằng đất sét, bởi người đi biển đã không trở về.

Tháng Tám, trời bắt đầu vào Thu, người đất Bắc bắt đầu nghĩ tới hương hoa sữa, đã biết hương thơm của cốm mới. Nhưng đất nước lại bắt đầu một mùa giông bão, mưa lớn, nước dâng cao, biển động, núi lở trong cơn chớp bể mưa ngàn. Những hình dung ám ảnh về những mảnh đất mênh mang ngập chìm trong sóng nước, những thi thể đồng bào anh em xấu số, hay hình ảnh em bé bị vùi trong núi bùn sẽ lại ám ảnh chúng ta.

Thật may, cơn bão số 3 cho đến tối qua, chúng ta không phải nghe những tin tức thiệt hại về con người. Chúng ta có thể vội vã gửi chút tiền, ít đồ dùng nhờ người mang gấp cho những đồng bào vất vả phương xa trong cơn hoạn nạn. Để đồng bào mau chóng vượt qua những ngày gian khó. Nhưng mỗi trận bi thương, dù tất cả chung tay xoa dịu thì trên cơ thể vẫn in hằn vết đau. Phải làm nhiều hơn thế.

Cơn bão số 3, cả nước đã dốc lòng chống chọi. Chính phủ yêu cầu cán bộ không họp hành để toàn lực chống bão. Các Phó Thủ tướng thân hành tận nơi tâm bão. Sáng sớm, ở Hà Nội, chúng ta đều nhận được tin nhắn UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân không nên ra đường hoặc ra vào các khu vực công trường xây dựng trên địa bàn thành phố, tránh cây đổ và vật liệu xây dựng rơi nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Thậm chí, tính năng kiểm tra an toàn của Facebook, từng được đưa vào sử dụng trong các vụ khủng bố hoặc thiên tai, vừa được bật lên cho những người dùng tại khu vực miền Bắc sau khi bão số 3 đổ bộ...

Âu cũng là từ những bài học mang tên nỗi đau mà chúng ta rút ra sau mỗi lần gánh chịu. Bởi với những đứa con sinh ra trong giông bão, những bài học đau thương không bao giờ là cũ để có thể đương đầu với những cơn bão mới, để có thể trở nên cường thịnh và giàu có.

Nguyên Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm