Sau những vụ thảm sát liên tiếp: Cuộc sống không giống như game

25/08/2015 07:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, đã xảy ra liên tiếp các vụ thảm sát ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái... Nghi phạm gây án được xác định đều là những người trẻ. Theo thông tin ban đầu, động cơ gây án muôn hình vạn trạng song đều có phần... “lãng xẹt”.

Câu hỏi đặt ra: Hàng loạt vụ án với tính chất man rợ chỉ mang tính hiện tượng hay đang thể hiện sự suy vi đạo đức của người trẻ? Những kẻ thủ ác cảm thấy thế nào khi đối diện với pháp luật? Giải pháp nào để hạn chế những chuyện thương tâm trên?

Để tìm hiểu về sự việc, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có trao đổi với luật sư, chuyên gia tâm lý – giáo dục đã nhiều năm tham gia giáo dục nhận thức, hành vi người trẻ bằng nhiều dự án trên mạng xã hội...

Phần nhiều là manh động bột phát

Các chuyên gia đều đồng nhất quan điểm, do chưa có số liệu thống kê chính thức nên không thể xác định rằng những vụ giết người xảy ra gần đây thế hiện mức độ phạm tội của người trẻ tăng hay chỉ do truyền thông, mạng xã hội phát triển khiến thông tin về các vụ giết người nhiều hơn trước. Những lý do và giải pháp các chuyên gia đưa ra lúc này chỉ là “giả thuyết”.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng) là người khá quyết liệt khi bày tỏ các quan điểm liên quan đến luật pháp trong các vụ việc phức tạp. Song, khi được hỏi trải nghiệm cá nhân về những câu chuyện của những thủ phạm giết người mà ông đã trò chuyện rất kỹ, luật sư Ứng tỏ ra ngậm ngùi.


Các lực lượng chức năng áp giải Đặng Văn Hùng (giữa), đối tượng gây ra vụ thảm sát 4 người ở Yên Bái gây rúng động dư luận. Ảnh: TTXVN

“Đó đều là những bi kịch đáng tiếc. Luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ - “Bởi theo trải nghiệm cá nhân của tôi, 99% thủ phạm giết người (rất nhiều trong đó là người trẻ) đều khóc ròng trong các cuộc trò chuyện cùng tôi trong trại giam. Phần nhiều các thủ phạm đều gây án với tâm lý manh động bột phát. Và đến lúc phải đối diện với pháp luật, lòng trắc ẩn khiến phần lớn các sát thủ thấy ân hận”.

Cũng theo trải nghiệm cá nhân của luật sư Ứng, mỗi lần trò chuyện với các đối tượng giết người ông đều cảm thấy rất buồn và nặng nề. “Trong những ngày bị giam, những kẻ giết người có thời gian suy nghĩ khá nhiều. Và khi họ hiểu sự trừng trị nghiêm khắc của luật pháp, cũng như tính nhân bản trỗi dậy, họ thấy thèm sống.

Đúng hơn là những con người đã từng ra tay hạ sát đồng loại thèm sống lại một cuộc đời trong sạch, tử tế. Có tội phạm khét tiếng biết là sẽ nhận án tử hình nói với tôi: “Ước gì được làm lại cuộc đời, em sẽ sống một cuộc đời lương thiện”. Nhưng tất cả đã quá muộn.”

“Tôi không lãng mạn hóa cái ác, tôi chỉ muốn những người trẻ hiểu rằng cuộc sống không giống như game, chúng ta chỉ có một “mạng” . Và bất cứ phút bốc đồng, hung hãn nào cũng đều có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng sinh mạng ấy”- Luật sư Bùi Đình Ứng nói tiếp.

Đừng mất niềm tin vào người trẻ!

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, chuyên gia giáo dục tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng, các yếu tố giáo dục trong nhà trường, gia đình cũng như sự biến chuyển của xã hội là những nguyên nhân khiến người trẻ manh động, hung hãn.

“Đặc biệt, sự vận động xã hội cũng khiến cái tôi cá nhân được tôn lên, sự ích kỷ của cá thể trong cộng đồng có môi trường phát triển hơn trước rất nhiều.”- Thạc sĩ Hiếu chia sẻ- “Và ta cảm thấy người trẻ thích thể hiện hơn. Điều này không xấu, song khi không nhận thức đầy đủ, hành động thể hiện lại là những hành vi lệch chuẩn, nguy hiểm với cộng đồng”.

Chuyên gia giáo dục tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng cho rằng: “Tuy nhiên, chúng ta không mất niềm tin vào xã hội và đặc biệt, không mất niềm tin vào giới trẻ. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ làm gì để hạn chế những hành vi lệch chuẩn đó? Việc thanh lọc môi trường xã hội để môi trường lành mạnh hơn thì các nhà quản lý xã hội đã biết từ lâu. Việc coi trọng giáo dục đạo đức trên ghế nhà trường các nhà quản lý giáo dục cũng đã biết từ lâu. Song, trước khi trông đợi sự thay đổi từ các nhà quản lý xã hội, nhà quản lý giáo dục để môi trường lành mạnh hơn, giáo dục thực chất hơn, chúng ta nên làm những điều trong khả năng mình”.

Thạc sĩ Hiếu đưa ra ví dụ về việc cha mẹ nên làm tấm gương cư xử cho con cái trong nhà; dạy con thế nào là hành vi ứng xử đúng - hành vi ứng xử sai; dạy con cách đối đầu với bế tắc và giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh thay vì hành xử bản năng.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm