Sao lại hội hè?

23/02/2013 07:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đã khi nào bạn tự hỏi: Tại sao người ta lại hội hè? Và ở Việt Nam ta, hội hè chủ yếu vào mùa xuân?

Con người sống giữa trời và đất tức là trong không gian. Con người có sinh ra và chết đi tức là trong thời gian. Con người sống với nhau thành bầy nhóm, đoàn thể tức là trong nhân gian, cõi người ta đó gồm cả tự thân, gia đình và xã hội.

Trong các khái niệm trừu tượng, bao quát nhất là không gian, thời gian. Có thể nói, phương Đông và phương Tây khác biệt nhau căn bản nhất là ở quan niệm về thời gian. Ở phương Tây thời gian được tượng trưng như một mũi tên bắn theo đường thẳng, đó là mũi tên thời gian, đi từ một điểm trong quá khứ là cuộc sáng tạo vũ trụ của Thượng đế, tới điểm hiện tại, và sẽ lao tiếp về tương lai để chấm dứt vào một thời điểm nhất định. Một vũ trụ quan về nhân sinh quan dựa trên thời gian tuyến tính sẽ mang nặng tính kinh hoàng của lịch sử và tiểu sử trong định đoạt của Thượng đế thần quyền. Đời sống là bi kịch vì người ta chỉ có một kiếp để kết quả là Thiên đàng hoặc Địa ngục. Sống chỉ một lần. Đó là nguồn gốc của bi kịch và sự căng thẳng của cuộc sinh tồn ở xã hội phương Tây.

Ở phương Đông, do sự gắn bó mật thiết với tự nhiên qua nông nghiệp và chiêm tinh, người ta đã phát triển thiên văn và lịch pháp. Qua sự vần xoay của tinh tú, sự tuần hoàn của các mùa luân chuyển như một vòng bánh xe họ đã đi tới quan niệm thời gian như chu kỳ từ Xuân tới Đông, từ ấm tới lạnh. Những quan niệm như luân hồi, chuyển kiếp giảm nhẹ tính cách khắc nghiệt của sự tồn tại duy nhất. Đời sống như vậy khoan hòa hơn và nếu có lỗi lầm, người ta có thể sửa lại ở những kiếp sau, cho dù có phải qua 18 tầng địa ngục hay mang thân trâu chó. Bi kịch, tuyệt vọng, phi lý hiểu theo nghĩa tuyệt đối không có đất phát triển ở đây.




Lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, còn được gọi nôm nà là lễ hội Linh tinh tình phộc, tổ chức vào đêm 11 tháng Giêng với nhiều trò dân gian như: cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, thợ mộc, dạy học… Nhưng trung tâm hội Trò Trám là tín ngưỡng phồn thực có tên gọi “Lễ mật” cầu mong cho nòi giống trường tồn, được thực hiện vào nửa đêm 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch) tại miếu Trò.

Như vậy phương Đông có hai khái niệm về kích thước thời gian: thời gian vĩnh hằng và thời gian hàng ngày. Mỗi năm là bắt đầu một vòng quay mới, và ngày Tết chính là điểm gặp gỡ giữa thời gian vĩnh hằng và thời gian thế tục. Để đánh dấu sự gặp gỡ này, người ta có kỷ niệm ăn mừng và lễ hội trọng đại nhất. Thậm chí, để tô rõ nét của ý nghĩa ngày Tết, người ta phân cách sự chấm dứt sinh hoạt hàng ngày của năm cũ và sự khởi đầu của năm mới bằng một khoảng trống. Khoảng trống từ ngày Táo quân lên chầu Trời trình báo cáo kết toán mỗi hộ gia đình và ngày mùng 1 sáng đầu năm là thời gian trống không được tính vào sổ. Và giây phút thiêng liêng mọi người chờ đón chính là lúc giao thừa, tiếp nối của hai đoạn (tiết bằng lóng tre) trong đời sống. 

Lễ hội đầu năm diễn ra khắp nơi tưng bừng và long trọng suốt trong tháng Giêng thể hiện quan niệm đặt tầm quan trọng ở việc hưởng thụ, thưởng thức đời sống hơn là đề cao lao động và sản xuất kinh tế. Con người được định nghĩa như con người ăn chơi lạc thú ở trên con người lao động và cả con người hiểu biết. Động vật sống không hề có mục đích lao động hay hiểu biết, lại càng không có lạc thú hưởng thụ vì chỉ sống trong cõi tất yếu của nhu cầu và bản năng. Trong dịp Tết (từ 3 đến 7 ngày nếu tính từ Giao thừa đến ngày hạ nêu hết Tết) người ta sống trong một kích thước khác, đối đãi với nhau từ gia đình đến thôn xóm một cách nhẹ nhàng, khoan dung, và rộng mở, không tranh giành, bo bo, mà mời chào, khoản đãi, coi nhẹ tài sản và coi trọng tình nghĩa, cái đẹp của lời ca điệu múa, trò vui giải trí, tình ái trong thực tại hoặc ước vọng một đời sống mưa hòa gió thuận, mùa màng tốt tươi, gặt hái phong nhiêu phồn thực, con đàn cháu đống. Lúc đó có sự thông lưu giữa cõi trời (Mường then) cõi chết (Mường ma) và cõi người (Mường người). Có sự đối đãi kết hợp giữa gái trai trong những nghi thức (lễ) và tụ họp (hội) của lớp trẻ trong làng vượt mọi cấm kỵ thường ngày của luân lý giáo điều để cọ xát trong hội chen, hội đúm, hội tung còn, các trò như bịt mắt bắt dê, bắt trạch trong chum, kéo co, ném còn, hát si, hát lượn, hát gẹo, hát xoan, hát quan họ, hát trống quân…

Ở quê tổ Phú Thọ có hát đụ đị và diễn trò 36 cái nõ nường trong đó 18 gái cầm 18 mo cau sơn đỏ (nường = nàng, cơ quan sinh dục nữ), và 18 trai cầm 18 khúc tre (nõ: cơ quan sinh dục nam). Hai bên múa hát và nõ đâm vào nường để bắt chước hành vi ăn nằm của tổ tiên mới có con cháu ngày nay.

Lễ bái là lạy vái. Lạy trời vái đất cho con người ánh sáng, khí thở và nước cùng bông trái để sống. Hội là để gặp gỡ, giao lưu, kết bạn, làm tình, nối dòng truyền lưu. Một là chiều kích dọc, một là chiều kích ngang. Cả hai giao thoa để làm thành đời sống này của con người vừa thiêng liêng vừa thế tục, vừa vĩnh hằng vừa vô thường, tràn đầy ân sủng nhưng cũng vô vàn gian khổ.

Khi khoa học tự nhiên phá vỡ quan niệm Trái đất là trung tâm, vị thế của con người trong vũ trụ vắng bóng thần linh và trút bỏ chiều kích thiêng liêng chỉ còn trần trụi là hạt bụi nhỏ nhoi vô nghĩa trước vũ trụ - cái phi lý của hiện hữu, cái vô mục đích của cá nhân và lịch sử, dễ đưa tới sự khủng hoảng của niềm tin, sự sùng bái quyền lực vật chất trên tự nhiên và sự tiến bộ tất yếu của lý trí ngày một tích lũy.

500 năm chinh phục toàn cầu và cũng thời gian đó với sự bành trướng của các chủ nghĩa thực dân, đế quốc, toàn trị nhất là những cuộc chiến tranh và hàng trăm triệu người chết trong thế kỷ 20 đã khiến loài người bừng tỉnh trước ảo vọng thiết lập thiên đường trên Trái đất và khiêm tốn hơn nhận ra những hạn chế của sự mê tín vào lý trí và tiến bộ, khoa học vật chất và kinh tế phát triển vô tận.

Ngày nay một nền kinh tế bền vững, một xã hội phát triển hài hòa, một kích thước tâm linh cùng nhân bản trong những giá trị tương giao toàn cầu đang được nhận thức và cố gắng kiến thiết.

Môi trường sinh thái và sức khỏe tâm linh là những điều không thể hiện cho cuộc sống chân thật, đạo đức, và tốt đẹp. Cá nhân không là gì hết nếu không có nhân quần xã hội, những xã hội tập thể cũng chỉ là địa ngục hoặc cõi ảo của người máy nếu mọi cá nhân không được sống trọn vẹn và hạnh phúc.

Lễ hội ngày Tết chính là một di sản quý báu để nhắc nhở chúng ta về kinh nghiệm và trao gửi của tiền nhân trong mỗi mùa Xuân ở trần gian này.

Bài: Nguyễn Tiến Văn; Ảnh: TL, Mai Kỳ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm