Sao cứ than nghèo với du khách?

28/05/2013 06:54 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trên chiếc xuồng ba lá đi trong con rạch ở cù lao Thới Sơn, 2 bên là hàng dừa nước nhấp nhô chùm trái, mái chèo khua cạnh những khóm lục bình, 5 người chúng tôi khoan khoái tận hưởng cảm giác du ngoạn sông nước miền Tây.

Nhìn người chèo xuồng mặc áo bà ba, thắt khăn rằn, một người bạn tôi cất tiếng hỏi: Dì năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Vậy là bà nói một mạch về tuổi tác và đặc tả sự nghèo khổ của mình.

Bà kể rằng bà đã 70, nhưng ở đây còn nhiều người cao tuổi hơn, có người đã ngoài 80. Đi một chuyến thế này được có 15 ngàn đồng, trả 5 ngàn tiền mướn xuồng, còn 10 ngàn hai người lái cùng chia nhau. Cả khu có 60 chiếc xuồng, phải xếp lốt để chở khách, trung bình mỗi tuần chỉ được chở khoảng 2 chuyến. Mà phải thuộc diện xóa đói giảm nghèo, gia đình không có đất cày ruộng mới được đi chèo xuồng. Kể hết chuyện cũng là lúc xuồng gần cập bến, bà nói luôn “Anh chị có lòng thì bồi dưỡng thêm cho chúng tôi, chúng tôi nghèo lắm”.


Câu chuyện của bà dường như là câu chuyện chung của tất cả những người chèo xuồng ở cù lao này. Bởi đoàn chúng tôi có gần 40 người, sau khi bước lên từ 8 chiếc xuồng thì câu chuyện chung mà mọi người chia sẻ là câu chuyện 15 ngàn tiền công một chuyến chèo xuồng. Và rồi ai nấy sau khi đã đưa thêm tiền bồi dưỡng cho các lái đò rồi cũng đều ái ngại xót xa sau khi được tận hưởng thế nào là du lịch sinh thái miền Tây Nam bộ.

Hồi cuối năm ngoái, trên một chuyến đò tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An ở Ninh Bình, câu chuyện của chúng tôi với người lái đò cũng tương tự như vậy. Anh kể rằng mỗi chuyến đò anh được 100 ngàn nhưng nếu không phải mùa du lịch thì cả tháng may ra được hai chuyến vì có hàng trăm chiếc đò xếp lốt chờ đến lượt. Lúc không chèo đò thì về nhà làm ruộng, tới lượt, ban quản lý sẽ gọi điện thoại để ra bến chở khách. Bước xuống đò, dù anh không đề cập đến chuyện bồi dưỡng nhưng chúng tôi đều thống nhất là sẽ biếu anh thêm tiền.

Chuyện này làm tôi nhớ năm 2010, tôi đến Philippines và có tham quan dòng sông ngầm Puerto Princesa hay đi thuyền xem đom đóm ven sông Iwahig trên đảo Palawan. Tất cả những người chèo thuyền ngoài việc luôn luôn nhắc nhở du khách phải mặc áo phao khi ngồi trên thuyền, đội mũ bảo hiểm khi đi trong sông ngầm thì đều kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch. Họ giới thiệu với du khách một cách rất hấp dẫn về thắng cảnh mà họ đang đưa khách tham quan. Người chèo thuyền xem đom đóm thuộc lòng khu rừng ngập mặn ven sông này có bao nhiêu loài đom đóm, chúng sinh sống thế nào, có bao nhiêu loại cây sú, vẹt, đi thuyền vào ngày nào trong tháng thì xem đom đóm đẹp nhất. Và tuyệt nhiên họ chẳng khiến cho du khách nào phải ái ngại hỏi họ về mức thu nhập hay về chuyện mưu sinh.

Kết thúc chuyến tham quan, du khách cũng được trọn vẹn cảm giác thưởng thức cảnh đẹp mà không phải băn khoăn về sự nghèo khổ cơ cực của người chèo thuyền hay tính toán tiền mình trả cho đơn vị khai thác cảnh quan chạy đi đâu mà để những người chèo đò phải thường xuyên trình bày với du khách hoàn cảnh nghèo đói với hy vọng sẽ nhận được thêm từ du khách những đồng tiền bồi dưỡng.

Và Philippines cũng chẳng cách xa Việt Nam là mấy cả về địa lý lẫn kinh tế.

Khánh Ngọc (chuyên viên bảo hiểm)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm