"Rừng cổ tích" hay tiếng kêu khẩn thiết từ Yok Đôn?

22/11/2012 08:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi viết những dòng giới thiệu trường ca Rừng cổ tích (NXB Hội Nhà văn) của nhà báo - nhà thơ Đặng Bá Tiến do anh vừa gửi từ Buôn Ma Thuột ra sáng 21/11 sau khi vừa đọc xong bài báo (cũng sáng 21/11) gây uất nghẹn về những cánh rừng quốc gia Yok Đôn đang bị tàn phá.

Xưa nay phần lớn trường ca là để vinh danh hay ngợi ca một sự tích, một chiến công, một nhân vật... Nhưng với Rừng cổ tích, Tiến đã gào lên tiếng gào thét của đại ngàn hiện tại, Tiến đã kêu  lên tiếng kêu của những cánh rừng và những con người đã vì quê hương Tây Nguyên hùng vĩ và bí ẩn mà gắn cuộc đời mình với rừng Yok Đôn...

Với 10 khúc, hay 10 chương, trường ca Rừng cổ tích đã đưa ta về với đại ngàn Yok Đôn thuở ban sơ hùng vĩ và bí ẩn với những tập tục của người dân tộc bản địa, với bản sắc văn hóa xứ sở của người M'nông, Ê Đê vốn đặc sắc và bền chặt bao đời. Nhưng có lẽ điều anh muốn gửi vào  tập trường ca chất chứa nhiều tâm sự này là nạn phá rừng và hủy diệt tài nguyên thiên nhiên đang ngày một trắng trợn, thảm khốc, mà hậu quả là rừng nguyên sinh tan hoang, chim thú cạn kiệt và hệ lụy của nó là thiên tai khốc liệt, là sự vô cảm của con người trước môi trường thiên nhiên bị tàn phá...

“Anh chợt nhói lòng khi thấy rừng rung lên nghiêng ngả/ Nghiêng ngả đại ngàn/ Đảo điên cổ thụ/ Nhựa cây tuôn trào như máu ứa luênh loang...”. Và có những lúc anh căm uất trước nạn phá rừng trắng trợn bằng những hợp đồng, dự án dấu đỏ mực đen: “Chúng bán mua cả rừng gỗ giản đơn/ Bằng những dự án đỏ lòm con dấu/ Và bầm tím những mưu đồ ẩn náu/ Chúng nháy mắt nhau là rừng đổ ào ào/ Voi phơi xác cho quạ diều mở tiệc...”.

Đó là một sự thật phũ phàng. Đúng như bản tin ngày 21/11/2012 trên báo Lao động: Tan hoang vườn quốc gia Yok Đôn. Lẽ nào chúng ta đành buông tay nhìn mọi thứ thành cổ tích? Từ tình yêu thiên nhiên đến sự tuyệt vọng của anh là những con chữ thao thiết kêu gào cộng đồng hãy bảo vệ thiên nhiên, vì đó là nguồn tài nguyên ảnh hưởng đền sự sống còn của chúng ta... Rừng đã và đang mất.

Xuyên suốt trường ca về đại ngàn này là hình ảnh người lính Tây Nguyên năm nào trở lại với rừng cùng đau nỗi đau mất rừng và gắn bó cuộc đời với đại ngàn... Nhân vật trữ tình của anh lại là một chàng trai xứ Nghệ đồng hương. Mối tình với cô gái Ê Đê và tình yêu thiên nhiên hoang dã đã đưa anh về với Yok Đôn và tình nguyện làm người gác rừng. Ở hai chương cuối tác giả đã hòa vào nhân vật trữ tình để cùng giải tỏa nỗi đau đớn, tuyệt vọng và an ủi người đọc bởi niềm lạc quan hy vọng:  

“Cây nghe tiếng tù và xanh biếc đầy hoa/ Chim nghe tiếng tù và lời ca thêm thánh thót/ Voi nghe tiếng tù và ngà mọc dài thêm...”.“Rừng Buôn Đôn nổi tiếng linh thiêng/ Mấy thế kỷ sau tiếng tù và còn vọng/ Giữa rừng đêm lúc trầm lúc bổng/ Như ru cây ru muông thú ngủ yên lành/ Như người gác rừng chưa khuất/ Vẫn cầm canh/ Giữ cho rừng bình yên mãi mãi...”. 

Khép lại Rừng cổ tích, thấy một hồn thơ thấm đẫm chất bazan với những cảm hứng rất Tây Nguyên, gợi một tình yêu vùng đất cùng những xót xa cho số phận những cánh rừng, và từ đó thêm trân trọng tác giả, một nhà báo nặng lòng với xứ sở, có trách nhiệm công dân, một nhà thơ nhiều ám ảnh với rừng.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm