Quyển vở bị xé

23/06/2011 15:01 GMT+7

(TT&VH) - Năm học lớp 6, tôi bị chú xé hai quyển vở.

Chú đến nhà, kêu tôi mang sách vở ra cho xem học hành thế nào.

Và xé tan nát hai cuốn vở đầu tiên cầm lên xem, lý do: Chữ tôi như gà bới. Học cấp 1, dùng bút mực có nét thanh nét đậm là điều bắt buộc. Nhưng bắt đầu từ khi sang cấp 2, học sinh có thể tự do dùng bất cứ loại bút nào mình thích để viết bài (trừ bút chì). Vì lẽ đó, tôi chuyển sang dùng bút bi - vốn nhiều kiểu dáng bắt mắt hơn, tiện hơn, đỡ bẩn hơn. Nhưng đánh đổi lại cho cái sự tiện lợi và đẹp mắt đó, những con chữ của tôi cứ gãy đoạn dần, rời rạc và xấu xí.


Viết bằng bút bi - vốn nhiều kiểu dáng bắt mắt hơn, tiện hơn, đỡ bẩn hơn nhưng
những con chữ gãy đoạn dần, rời rạc và xấu xí - Ảnh minh họa, Nguồn: Internet


Chú xé hai cuốn vở của tôi xong, lại móc túi lấy tiền cho tôi đi mua hai cuốn vở khác, với một cuốn Tập viết lớp 1. Rồi cứ thế ngày ngày bắt tôi ngồi tập tô tập viết theo cuốn vở hướng dẫn đó. Ôi chao, khỏi nói cũng biết tôi ngượng đến mức nào. Ai đời học lớp 6 rồi mà còn phải tập lại từng nét sổ, nét gạch, nét đưa. Nhiều lúc thấy tôi hì hục ngồi tập viết (tôi sợ chú nên không dám cãi lời), bọn trẻ con hàng xóm ngó qua cửa sổ cứ hí hí cười, lại còn ghé tai nhau xì xào gì đó. Hai mang tai tôi cứ đỏ rần, nóng ran lên vì xấu hổ. Nhưng không thể bỏ dở, tôi chỉ còn cách tập viết thật nhiều cho mau hết cuốn vở. Và cố gắng viết thật tử tế khi đến lớp cũng như lúc ở nhà, để không tái diễn thảm cảnh bị xé vở thêm lần nào nữa.

Chương trình tự học lại chữ viết kết thúc sau hai tuần khổ ải và ngượng ngùng. Chú gật đầu hài lòng khi kiểm tra lại sách vở của tôi. Lúc đó tôi chỉ biết thở phào, cảm thấy mừng húm vì thoát nạn, mà không biết rằng lợi ích của những ngày khổ ải đó mãi đến sau này tôi còn được hưởng...

Năm lớp 9, trường tôi tổ chức thi loại để chọn học sinh đi thi học sinh giỏi cấp quận. Sau hai vòng thi và một tháng trời được kèm cặp rèn giũa, bộ môn Văn chọn ra được hai người để lấy một: là tôi, và một bạn khác nữa. Sau rất nhiều những thảo luận và cân nhắc, cuối cùng tôi là người được chọn thay mặt trường đi thi. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên vì điều đó, bởi tôi biết người bạn kia có năng khiếu văn chương hơn tôi - dù chỉ hơn một chút thôi nhưng cũng là hơn rồi. Tôi đem thắc mắc đó hỏi cô giáo dạy văn của mình. Cô tủm tỉm cười và bảo: “Đúng là thế thật, văn của bạn ấy tốt hơn em một chút. Nhưng chữ bạn ấy lại xấu hơn chữ em. Khi đi thi, viết hay đến mấy mà không ai đọc được nổi thì cũng uổng phí thôi”. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra lợi thế khi biết giữ một cuốn vở sạch và những con chữ ngay ngắn, thẳng hàng.

Sau này khi đã tốt nghiệp rồi, tôi vẫn thường được nghe lời khen “Ồ, chữ anh đẹp nhỉ!” mỗi khi cần phải kê khai hay viết một thứ giấy tờ làm việc gì đó bằng tay.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng xuất hiện nhiều những lớp học dạy viết chữ đẹp. Nó nói lên một thực trạng đáng buồn rằng chữ viết của các em học sinh ngày nay quá xấu (có cầu thì mới có cung). Nhưng nó cũng nói lên một điều đáng mừng, rằng trong thời đại của máy vi tính - của những con chữ in khô khan không cá tính, không tình cảm - các bậc phụ huynh vẫn nhận ra tầm quan trọng của chữ viết, để đưa con em mình tới những lớp học thêm đặc biệt như vậy.

Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm