'Quốc tịch' ở giải Cánh diều

22/03/2017 07:24 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Theo dự kiến, giải Cánh diều 2016 sẽ trao tại Nhà hát Quân đội (TP.HCM) vào tối 9/4/2017, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Nhìn vào thể lệ cho các hạng mục giải, thấy lộ ra một vài “bất cập”.

Trong danh sách 19 phim chiếu rạp được dự thi giải Cánh diều 2016, thì tất cả là sản phẩm tư nhân, vắng bóng phim nhà nước. Thực tế cho thấy phần lớn đoàn phim tư nhân Việt Nam hiện tại đều có các cá nhân nước ngoài tham gia sản xuất, đầu tư. Nhất là các khâu quan trọng như quay phim, đạo diễn hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, họa sĩ, thiết kế trang phục, dựng phim, hậu kỳ, kỹ xảo… Mà theo giải Cánh diều, thì các cá nhân ở các vai trò như nêu trên sẽ được tranh giải: biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, người làm âm thanh, nhạc sĩ, diễn viên nam chính và phụ, diễn viên nữ chính và phụ.

Một đơn cử, nhà soạn nhạc Christopher Wong đã và đang còn hợp tác với nhiều phim Việt Nam như Dòng máu anh hùng, Chuyện tình xa xứ, Giao lộ định mệnh, Cô dâu đại chiến, Scandal - Hào quang trở lại, Bẫy rồng, Để Mai tính, Long Ruồi, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Gái già lắm chiêu, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa...

Trong quá khứ, anh từng đoạt giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 15. Với sự thay đổi thể lệ của Cánh diều trong hai năm gần đây, mà Christopher Wong không có quốc tịch Việt Nam, nên sẽ không được tranh giải.


Cảnh trong phim "Vệ sĩ Sài gòn"

Trong danh sách 19 phim chiếu rạp được dự thi giải Cánh diều 2016, Vệ sĩ Sài Gòn (đạo diễn Ken Ochiai) không được phép tranh giải “phim hay nhất” và “đạo diễn xuất sắc nhất”, vì đây là sản phẩm của người nước ngoài. Trong khi đó, xem xét cởi mở hơn, thì một phim như Vệ sĩ Sài Gòn, ngoài đạo diễn và vài cá nhân khác là người nước ngoài, thì đây hoàn toàn là một phim Việt Nam.

Nhưng tiêu chí xét giải cho cá nhân có ghi rõ: “Trao cho cá nhân là người Việt (kể cả người Việt mang quốc tịch nước ngoài, và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) tham gia thực hiện các phim có chủ sở hữu (hoặc đồng sở hữu) thuộc Việt Nam sản xuất”. Vì vậy, những nghệ sĩ nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam, dù có những đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam họ cũng không được vinh danh.

Trong 10 năm qua, sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức nước ngoài cho sự phát triển phim ảnh trong nước là rất rõ ràng. Dấu ấn về quay phim và đạo diễn hình ảnh của Dominic Pereira, thường đứng chung ê-kíp với đạo diễn Charlie Nguyễn là một ví dụ. Hay như công ty chuyên làm hậu kỳ Kantana tại Thái Lan, những đóng góp của họ là không hề nhỏ.

Trước bối cảnh bang giao quốc tế và toàn cầu hóa, khi chuyện đi lại ngày càng dễ dàng hơn (ví dụ như việc nhiều nước miễn thị thực), thì việc một đoàn phim Việt Nam, thậm chí các bộ môn sân khấu truyền thống, có những cá nhân nước ngoài tham gia sản xuất, diễn xuất là hết sức bình thường. Nó cũng tương tự như các diễn viên, đạo diễn trong nước ra nước ngoài làm việc, nếu được trao giải thì cũng ít khi nào bị xét tới khía cạnh quốc tịch.

Một ví dụ khác về sự đóng góp của người không có quốc tịch, dù không liên quan trực tiếp đến giải Cánh diều, đó là chuyện đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm phim Kong: Đảo đầu lâu. Sự ảnh hưởng và tác động đạo diễn đã được chính phủ Việt Nam tri ân bằng việc mời vào vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam.

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm