Quà Noel của nhóc Nicholas và cộng điểm đại học

24/08/2015 13:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Ông già Noel thân mến… Bố cháu bảo rằng cháu phải cao thượng và tử tế, thay vì đòi quà cho cháu, cháu phải đòi ông quà cho tất cả những người cháu rất yêu quý và cho các bạn cháu”.

Đó là đoạn mở đầu bức thư “đòi quà” mà cậu bé Nicholas gửi cho ông già Noel (người có chiếc xe trượt tuyết vừa bị hỏng giống y hệt xe hơi của bố cậu và cũng đang thiếu tiền giống bố cậu) trong cuốn Nhóc Nicholas - Những chuyện chưa kể tập 3.

Tâm niệm phải cao thượng, Nicholas cũng mong ông già Noel làm tất cả mọi người hài lòng. Chẳng hạn, để bạn Clotaire không phân tâm học hành và phải buồn vì đứng bét lớp, ông hãy lấy của nó chiếc xe đạp Tour De France, Nicholas sẵn lòng giữ chiếc xe giùm bạn cho đến khi nó lớn.

Để Eudes không phải khổ vì bị phạt do đấm vào mũi bạn bè, ông hãy tặng găng tay đấm bốc cho tất cả các đứa còn lại. Để thầy giám thị nghiêm khắc Nước Lèo hài lòng, ông nên cho thầy về quê mãi mãi để thầy không phải mệt mỏi với bọn học sinh…


Hình ảnh minh họa trong truyện Nhóc Nicholas...

Tóm lại, Nicholas “cao thượng” chỉ đòi ông già Noel quà cho những người cậu yêu quý. “Còn phần cháu, như cháu đã bảo ông, cháu không muốn gì cả. Có thể ông vẫn còn tiền, vậy thì…” - cậu viết thêm.

Nếu Nicholas sống ở thành thị của Việt Nam và đi thi đại học? “Để bạn Bồ Kết sống ở miền núi không phân tâm học hành đến nỗi đứng bét bảng vì mỗi ngày đạp xe 2 tiếng đồng hồ đến trường, ông hãy lấy đi 4 điểm cộng ưu tiên của bạn ấy. Cháu sẵn lòng giữ hộ bạn số điểm thi đó cho đến khi xét tuyển xong”.

Quyền lợi của các nhóm người khác nhau trong xã hội thường không tỷ lệ thuận với nhau. Nicholas và các bạn cùng lớp, nếu tính theo nguyên tắc ở… Việt Nam, hẳn có cùng quyền lợi nếu đi thi đại học. Nhưng quyền lợi của họ lại mâu thuẫn nếu xét theo khía cạnh khác: hoàn cảnh gia đình, sở thích, khả năng của bản thân…

Dùng điểm hoặc tiền để bù đắp các lỗ hổng chênh lệch quyền lợi đó, thực ra đều là cách giải quyết dễ dãi. Chẳng hạn, cộng điểm cho học sinh miền núi chứ không hỗ trợ điều kiện đi lại và học tập của họ tốt hơn.

Lâu dần, việc làm tưởng như hướng đến bình đẳng này lại gây chia rẽ. Và khi một học sinh người Việt đăng bộ ảnh tranh luận và đặt vấn đề “Nên hay không cộng điểm thi đại học cho các đối tượng ưu tiên?”, các ý kiến bình luận lập tức chia thành 2 phe: thành thị và nông thôn/miền núi, mặc nhiên phân định giàu nghèo, hơn kém.

Một bên tủi thân (vì xuất thân vùng sâu vùng xa, tỉnh lẻ), một bên uất ức (vì không được cộng điểm nên điểm thi thấp hơn “bọn nó”), lao vào cãi nhau bất chấp chủ đề tranh luận đáng lẽ phải xoay quanh “Các đôi tượng ưu tiên gồm những ai và việc được cộng điểm hiện nay có hợp lý không? Nên giữ hay bỏ”. Cách tranh luận dở ẹc cho một vấn đề hay.

Giá ông già Noel làm việc quanh năm và không lúc nào thiếu tiền, ai cũng có thể đòi ông tước đi quyền này, quyền kia của đứa này, đứa kia vốn khiến họ thấy bất công. Nhưng chẳng có ông già Noel nào cả, nên chẳng còn cách nào khác, dẹp tự ái vùng miền đi và tranh luận ra ngô ra khoai với nhau.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm