Phương Mỹ Chi hát nhạc tình, cảnh tỉnh quá muộn màng

19/09/2016 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi trình làng MV Chờ người, một vài bài báo cho rằng MV này phản cảm, bởi ở tuổi 13,việc thể hiện tinh thần của câu chuyện tình yêu đôi lứa đối với Phương Mỹ Chi là không thể, những cảm xúc chỉ là gượng gạo, không thật.

Sự chỉ trích đó là những hồi chuông cảnh tỉnh rất đáng quý, tuy nhiên dường như trên thực tế, đó là những hồi chuông lạc lõng, bởi đã từng có những hồi chuông như thế nhưng chẳng ai nghe…

Từ lúc chương trình Giọng hát Việt nhí lên sóng, đã có nhiều quan ngại về việc các bé thiếu nhi hát nhạc người lớn…

Về vấn đề này, Thể thao & Văn hóa cũng từng có cả loạt bài, trong đó ý kiến của nhà lý luận âm nhạc, của chuyên gia tâm lý cho rằng thiếu nhi hát nhạc người lớn ngoài việc không thể thể hiện được tinh thần của bài nhạc, nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm hồn và sự hình thành nhân cách của các em.

Nhưng những lời nói của các chuyên gia chỉ như một lời gió thoảng. Và dường như thiếu nhi hát nhạc người lớn thì mới “oách”, mới “trình độ” và người lớn mới nghe.

Có một vài ý kiến cho rằng thiếu nhi hát nhạc người lớn là một phong vị lạ của đời sống âm nhạc giải trí, nó thu hút nhiều người xem chương trình, và đó cũng là yếu tố rất quan trọng mà nhà sản xuất chương trình, nhà đài không muốn thay đổi. Nếu điều đó là sự thật thì “người lớn” đang “đầu độc” môi trường âm nhạc của thiếu nhi.


Ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi trong MV "Chờ người". Ảnh chụp từ clip

Bây giờ lên tiếng cảnh tỉnh Phương Mỹ Chi hát nhạc tình yêu, liệu có quá muộn màng? Bởi Giọng hát Việt nhí 2013, lúc đó Phương Mỹ Chi mới chỉ 10 tuổi, bé đã hát Dạ cổ hoài lang với những câu hát như: “Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang” hoặc “Chàng là chàng có hay/ Đêm thiếp nằm luống những sầu tây”… Những lời hát còn “nặng đô” hơn MV Chờ người rất nhiều, bởi bài hát “Chờ người” chỉ là những rung động đầu đời của người con gái, còn trong Dạ cổ hoài lang là phải “vào vai” người vợ xa và nhớ chồng để thể hiện tâm trạng, cảm xúc.

Nói về thiếu nhi hát nhạc người lớn thì vô kể trong các mùa Giọng hát Việt nhí, đặc biệt cùng năm thi với Phương Mỹ Chi, bé Quang Anh lên ngôi quán quân Giọng hát Việt nhí cũng hát nhiều bài hát của người lớn. Đêm chung kết xếp hạng, bài hát Đá trông chồng của nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã góp phần giúp Quang Anh lên ngôi quán quân.

Và mới đây thôi (thứ Bảy 17/9), chương trình Giọng hát Việt nhí lại cho khán giả một bữa tiệc thiếu nhi hát nhạc người lớn no nê.

Bé Hồ Thảo Nguyên hát Bóng cây kơ-nia (Phan Huỳnh Điểu), Lê Băng Giang hát Độc huyền cầm (Bảo Lan) và Thư pháp (Nguyễn Duy Hùng), Trịnh Nhật Minh hát Mẹ tôi (Trần Tiến), Đàm Thùy Dung hát Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến) v.v… Những bài hát có nội tâm sâu sắc vượt quá tầm tư duy, liên tưởng của các thí sinh thiếu nhi. Có thể nói, những bài hát này “thách thức” ngay cả những huấn luyện viên của chương trình.

Tuy năm đầu tiên của chương trình Giọng hát Việt nhí, BTC cũng phát động phong trào viết ca khúc thiếu nhi để nguồn bài thiếu nhi thêm phong phú và nhất là cập nhật đời sống sinh hoạt, suy nghĩ của thiếu nhi hiện nay. Rất tiếc điều này là lực bất tòng tâm đối với BTC.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhà sản xuất và nhà đài cứ thản nhiên để  thiếu nhi hát nhạc người lớn. Các huấn luyện viên của chương trình cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc chọn bài cho các thí sinh nhí của mình.

Tuy nhiều người biết rằng việc thiếu nhi hát nhạc người lớn là chẳng hay ho gì, nhưng nó vẫn diễn ra, được quảng bá rầm rộ và rất nhiều người lớn thản nhiên xem chương trình.

Có thể thấy, việc thiếu nhi hát nhạc người lớn nhan nhản trên truyền hình hiện nay thuộc trách nhiệm của nhiều thành phần: nhà đài, nhà sản xuất chương trình, huấn luyện viên, “ông bầu” và cả khán giả truyền hình.Phải chăng chính vì thế mà những hồi chuông cảnh tỉnh của dư luận mãi lạc lõng?

Hãy trả lại môi trường âm nhạc trong sáng cho thiếu nhi!

Hải Long
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm