Phơi phới đường tới thiên đàng

18/09/2012 06:17 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Hãy suy nghĩ về tình huống mười phần bệ rạc của cầu thủ Huy Hoàng theo một chiều hướng khác. Giả sử như hôm đó, con xế hộp của anh không va quệt vào người phụ nữ ở TP.Thanh Hóa thì sao? Anh vẫn sẽ về tới đích, và hơn thế, chắc chắn sẽ về sớm hơn dự kiến, trong tâm trạng lâng lâng, phơi phới. Quãng đường vài trăm cây trên quốc lộ 1 đông đúc khổ ải có lẽ chỉ còn loang loáng trong tâm trí anh giống như đi trên những con đường đua đẹp nhất thế giới.

>> Chuyên đề Lối sống đô thị

Vâng. Anh sẽ về được nhà, không sứt mẻ gì, cho dù về đến nơi, có thể anh gục luôn xuống vô-lăng… Nhưng, trong trường hợp thoát được nạn này, chưa chắc đã phải là một điều may mắn với anh, cho dù anh thực sự chỉ bị say rượu.

1. Cánh đàn ông với nhau, tôi xin nói thật, rất ít ai mà chưa một lần “phê phê” rượu bia khi lái xe. Tôi xin dùng từ “phê phê” chứ không phải say, vì say là trạng thái bét nhè, không kiểm soát được hành vi. Còn “phê phê” thì mới chỉ nóng mặt, vằn mắt, người lâng lâng, tây tây, tương đương với cảm giác uống khoảng một hai lon bia hay hai ba chén rượu của người có tửu lượng trung bình.

Trong cái văn hóa giao tiếp ngày nay của chúng ta, vốn thấm đẫm mùi rượu bia, thì điều đó rất dễ xảy ra, khó ai mà trốn được. Và với chừng ấy chất cồn có lẽ nhiều người cũng hơi áy náy một chút, thử hà hơi ra tay phỏng đoán xem đã tới ngưỡng vi phạm luật giao thông đường bộ chưa, nhưng tiếc rằng nó chưa đủ khiến người ta sợ hãi. Vả lại, khi nhậu tới bến, gục tại chỗ thì còn nghĩ tới việc gửi xe ngoài quán, nhờ chiến hữu chở về, chứ có hai ba cốc (bia) hay một hai chén (rượu) mà phải gửi xe, cuốc bộ hoặc bắt taxi, xe ôm về nhà thì nghe chừng... “kém tắm quá”. Ai cũng nghĩ mình phê phê thế này thôi chứ còn lâu mới gục.

Và giờ đây, tôi xin miêu tả lại cho các bạn cảm giác “phê phê” (rượu bia thôi nhé) tuyệt đỉnh của rất nhiều người sau khi rời cuộc nhậu hay cuộc chơi, hùng hổ “leo” lên lái xe máy hay ô tô để lái. Nó lý giải tại sao họ lại phơi phới trên đường giống anh Huy Hoàng nhà ta đến thế. Là bởi vì chính trong cơn phê họ đã quên được nỗi sợ bản năng của con người, chiến thắng được cảm giác do dự. Họ trở nên tự tin một cách đáng ngạc nhiên vào các giác quan của bản thân mình, vào khả năng phán đoán của cái đầu, và khả năng kiểm soát tốc độ của đôi tay, bàn chân. Họ thấy mắt họ như sáng ra, và đường phố trở nên mạch lạc hơn, với đầy các khoảng trống cho họ đánh võng…

Thú thật, bản thân người viết bài này cũng có một vài lần “phê phê” như thế, và cho đến bây giờ vẫn nhớ như in cái cảm giác mình nhìn đường phố thoải mái và tự tin như trong một trò game đua xe. Khi ở tốc độ cao mà không còn biết sợ, người ta có cảm giác như đường phố đang đứng im, hoặc di chuyển với tốc độ chậm dần đều như ở những pha quay chậm trong phim, để cho ta thoải mái luồn lách, đánh võng chọn những khoảng trống thênh thang giữa những chiếc xe khác. Trong đầu ta vẫn còn chút tỉnh táo để thoáng lo cho những sự cố có thể xảy ra, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó có vẻ như ta thấy cuộc đời như trong trò game, có thể restart lại nếu muốn.

2. Không hề thi vị hóa, đó thực sự là cơn say tốc độ của những người phê phê rượu bia hay ma túy. Nó giải thích tại sao, rất nhiều tài xế, nhất là cánh lái xe đường dài tin rằng khi sử dụng chất kích thích, tay lái của họ “lụa” hơn, khả năng luồn lách, đánh lái ngọt hơn.

Một cuộc khảo sát đăng trên báo cách đây ít lâu, cho thấy tỷ lệ cực lớn số tài xế container đường dài là dính vào ma túy, quanh năm suốt tháng vật vã, đê mê trên đường. Con số rợn người, nhưng có lý. Và trong chúng ta, cũng có rất nhiều người, sau những cơn say, tất nhiên là rượu bia thôi, khi tỉnh dậy trên chiếc giường nhà mình mà không thể hiểu được hôm qua mình về nhà bằng cách nào. Có người nhậu say, ngồi lên xe vẫn phóng vù vù, nhưng hễ dừng xe là… ngã chổng kềnh, không chỉ vì không đủ sức chống chân, mà vì... dừng xe là mắt díp lại, ngủ quên đời luôn. Chính lúc đi xe, gió táp vào mặt như vã nước lã, họ mới tỉnh rượu.

Dù chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng qua tìm hiểu tại một số trung tâm chữa bệnh giáo dục, lao động xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tỷ lệ học viên làm nghề lái xe nghiện ma túy đã và đang cai nghiện khiến người ta không khỏi giật mình. Tại trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội huyện Đại Từ, số người nghiện ma túy làm nghề lái xe chiếm khoảng 30% (báo Giao thông Vận tải, 24/8/2012).

Nhớ hồi Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2008, anh bạn tôi nhậu say, cũng phóng xe được về được đến nhà không sứt mẻ gì, nhưng mấy hôm sau đi sửa xe, cứ thắc mắc mãi không biết tại sao chân chống phụ xe mình lại bị mòn vẹt một bên. Sau hỏi người bạn đi nhậu cùng mới biết, tối hôm đó, anh phóng xe như điên, dùng gót chân trái đạp chân chống phụ cho mài xuống mặt đường, tóe thành chùm lửa như pháo hoa trong tiếng reo hò của đường phố. Nghe chuyện đó chính anh cũng rùng mình, cảm tưởng như gót chân trái của anh vừa bị mài mất một miếng thịt. Anh không tin là mình dám làm và làm được như vậy. Sự thực rượu đã làm thay anh. Bao giờ cũng thế, sau khi tỉnh rượu, nghĩ lại quãng đường mình phơi phới lái xe sau cơn say mà rụng rời chân tay.

3. Thần thoại Hy Lạp cho rằng, Thần rượu nho Dionysus luôn dang tay đỡ cho những người say khỏi ngã. Điều đó cũng đúng một phần. Khi một gã phê phê phóng xe như điên trên đường, với sự quyết đoán và tự tin, trong điều kiện những người tỉnh đều giảm tốc độ và tránh xa gã, thì đúng là gã có thể trở về an toàn. Một vài lần như vậy, gã còn cao giọng cho rằng: càng phê tớ lại càng lụa!

Nhưng những người phê phê luôn nhầm ở một điểm quan trọng, ấy là đường phố không giống như trong game ở chỗ, luôn tồn tại những ngẫu nhiên, ngoài quy luật. Những cái ngẫu nhiên ấy là một đứa trẻ chợt băng qua đường, một chiếc xe đạp bất ngờ nhô ra từ ngõ, một ông già thay vì nép xe vào lề đường, lại luống cuống phanh gấp… Hay là đường phố vắng vẻ, phẳng lừ thế kia, bất đồ có một viên gạch, hòn đá, hố cống nằm chình ình ra đó. Tất cả những tình huống đó không thể tính toán được đó, người ta chỉ có thể xử lý khi hết sức tỉnh táo, đề phòng và lái xe với tốc độ chậm. Còn những gã phê phê lấy sự liều lĩnh để đè lấn trên đường thì cầm chắc sẽ gây tai nạn, lúc đó chẳng có thần thánh nào cứu cả.

4. Cuối năm ngoái, Hà Nội xôn xao vì chiến dịch mật phục ở gần quán bia của CSGT để xử lý những người uống rượu bia khi lái xe. Hơn nửa năm qua đi, các quán bia vẫn ồn ào thế, người ra khỏi quán mặt vẫn đỏ phừng phực như thế, nhưng chẳng cần phải có các chú bồi bàn cảnh giới, hoặc dắt xe qua chỗ nguy hiểm, tất cả cứ thế “léo” lên xe mà đi, bởi đơn giản, hết chiến dịch mọi thứ lại trở về như cũ. Luật mới quy định, cấm tuyệt đối lái xe ô-tô uống rượu bia, tức là một giọt rượu, một ngụm bia (nói như dân nhậu là “mới chỉ nhấp môi”) cũng không được uống vì có thể bị phạt tiền tấn (tới 3 triệu đồng). Nhưng có bao nhiêu người lái xe biết sợ điều đó? Rất ít. Bởi thế nên cầu thủ Huy Hoàng mới “múa may” suốt cả tiếng đồng hồ trong xế hộp mà vẫn chưa biết mình vừa gây tai nạn và đã bị công an bắt giữ. Anh vẫn đang phơi phới trên đường tới thiên đàng. Xét cho cùng thì với mức độ “phơi phới” đó, anh có bị thân bại danh liệt trong vụ này vẫn còn là may, bởi nếu không, chẳng may gặp một tình huống ngẫu nhiên trên đường, thì tính mạng anh và nhiều người đi đường khác cũng khó lòng đảm bảo.

Nguyễn Âu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm