"Phở"... thất truyền

28/02/2013 14:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Phố xá đã đông trở lại từ cuối tuần vừa rồi, nên những cuộc lang thang phố của N. cũng ngừng. Tết nghỉ dài, nói cho cùng vui nhất là chuyện… vắng, còn thì nhạt. Và vì nhạt, nên chuyện chả ra đâu mà “ấn tượng khó phai”… Như tấm băng-rôn đáng chú ý nhất với N. tết này, chăng rõ to như một khẩu hiệu ở gần đoạn đường gần triển lãm Vân Hồ, Hà Nội: Phở Thất truyền… Chẳng hiểu chủ tiệm định nói gì, có khi là có 7 thứ gia bảo được truyền lại trong nồi nước dùng. Nhưng đọc như thế, thất truyền, là không chịu được.

Phở, nói chung xưa nay toàn gắn với chữ gia truyền, ít ra cũng thêm họ Cồ vào tên hiệu như một đảm bảo nguồn gốc Nam Định…, hoặc có hiệu, N. thấy tên cả họ, ví dụ phở gà Đỗ gia. Nhiều năm trước, N. nhớ trong một chương trình hài nào đó, diễn viên Xuân Bắc đóng vai một anh hàng phở,  xưng xưng trả lời khách hàng về hai chữ phở gia truyền nhà mình, dù bố anh hàng phở làm thứ việc gì đó tuyệt nhiên không liên quan đến phở: “Nhà tao gia truyền đời đầu”… Dám giăng nền đỏ chữ vàng một băng-rôn to tướng như thế, phở Thất truyền, hẳn ý thức khiêu khích đối với các loại phở gia truyền phải là rõ lắm…

Từ chuyện phở, nghĩ lan man sang chuyện khác, hình như cái sự thất truyền ngày càng lộ liễu với nhiều thứ nữa, có điều người ta không công khai chăng khẩu hiệu ngang đường. Sự thất truyền này nằm ngay trong những mưu toan khôi phục truyền thống bằng lòng ham hố vụ lợi. 8.000 lễ hội trong cả nước mỗi năm, thì chẳng biết riêng một tháng Giêng thôi đã có bao nhiêu nghìn lễ hội khai thác triệt để hầu bao du khách bằng các hình thức chặt chém từ thô sơ đến tinh vi.

Gửi một cái xe máy để vào Văn Miếu mấy ngày trong Tết, mất 20 nghìn, xin chữ ông đồ (gọi như thế cho giàu tính truyền thống) thì cũng bị các thầy đồ tân thời khẽ khàng xin lại 150-200 nghìn đồng một chữ. Ngồi vào hàng bún riêu gần những nơi thắp hương xin sớ, một bát lõng bõng cái thứ nước nhạt toẹt chỉ thoang thoảng mùi bỗng cũng không dưới 50 nghìn…

Hôm qua, dân tình đi chợ Viềng về than thở nạn chém đẹp dưới đó, mài dao cả năm chém đẹp một ngày… cứ mon men về với các sinh hoạt văn hóa truyền thống là ấm ức chuyện bị móc túi. Mà các sinh hoạt văn hóa truyền thống từ lâu diễn ra theo xu hướng  đua nhau xa rời truyền thống để thu hút khách đến cho đông. Lễ hội giờ phần lớn dang dở bản sắc, kiểu Đông - Tây y tử vi kết hợp với cúng, cứ làm lễ dâng hương hoành tráng bên trong, nghiêm trang đến đâu cũng chẳng lại được muôn kiểu cờ bạc bên ngoài. Rồi chặt chém và xả rác…

Nghĩ đến hai chữ truyền thống mà thương lắm! Bao nhiêu trò vè tự dưng sinh ra, nhiều nơi phố thị đến làng quê bỗng dưng đèn lồng lòe loẹt, chùa chiền chật kín người đến vì tham hơn là vì kính… Nghĩ đến những đám hội người đông như nêm, giành giật nhau để lấy ấn, để chạm vào quả phết hay để cướp một miếng bánh…, N. thấy rùng mình. Đấy, lại mới diễn ra hôm 7 Tết, lễ cướp phết ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, hàng chục xe máy bị giẫm bẹp.

Đường hoa xuân 17 tỷ ở Đà Nẵng ban tổ chức bảo không cho nhưng người dân cứ lấy, còn hành động đó gọi là gì thì mỗi người nói một kiểu, ngôn ngữ mà. Nhìn lại thì những cái xấu của lễ hội lâu nay đang dần trở thành truyền thống, ngày nào đó có thể mong hai chữ thất truyền…

Tuy nhiên, với hàng phở Thất truyền, N. vẫn không muốn thử. Bởi có biết truyền thống của nó ra sao đâu mà dám hiên ngang thất truyền. Thêm nữa, thất truyền thì có gì hay, bởi không truyền thống, làm gì có lý do mà tồn tại...

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm