Phạt "tùy tâm", tạo điều kiện để dân nói dối

13/11/2012 07:38 GMT+7

(TT&VH) - 1. Việc xử lý người đi xe không sang tên đổi chủ đã có từ rất lâu, chứ không phải bây giờ mới thực hiện. Nhưng tại sao khi nới ra, khi làm chặt lại khiến người dân bổ ngửa và phản ứng đồng loạt tức thì. Trước hết, là do lỗi tuyên truyền, khiến người dân chưa biết hết về luật. Và một nguyên do nữa là một thời gian dài, quy định này bị "thả lỏng" khiến người dân "nhờn luật". Từ đó dẫn tới hệ quả nghiêm trọng, sự "phạm luật" không còn là vấn đề ý thức pháp luật cá nhân, mà trở thành vấn đề xã hội, liên quan đến hàng triệu con người.

Thực tế, việc xử phạt phương tiện giao thông chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện đúng quy định không phải đợi đến NĐ 71 mới có. Từ năm 1995 đã có quy định này. Sau đó tới NĐ 34 năm 2010, chưa kể Thông tư 36 (của Bộ Công an). Xin nêu: theo Thông tư số 36 (ban hành năm 2010), trong quy định về đăng ký xe có quy định trách nhiệm của chủ xe: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán phải có trách nhiệm thông báo việc bán xe cho CSGT và làm các thủ tục sang tên đổi chủ". Nếu không thực hiện đúng có nghĩa là chủ phương tiện đã vi phạm.

Như vậy, một quy định đã tồn tại gần 20 năm, chứ đâu có mới mẻ gì. Chỉ khác một điều, khi được "làm chặt" với mức phạt tăng lên khiến ai cũng bổ chửng như mới nghe chuyện ấy lần đầu.

2. Tuy nhiên, người dân đã có thể thở phào nhẹ nhõm sau những lo lắng thái quá vì sợ "xe không chính chủ". Đích thân Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã nêu rõ với báo chí: CSGT chỉ phạt những trường hợp mua bán xe không sang tên đổi chủ. Bước đầu, chỉ những trường hợp cụ thể mà CSGT chứng minh được là mua xe quá 30 ngày nhưng không sang tên đổi chủ thì xử phạt. Còn xe mượn, xe cùng gia đình, xe thuê, lái xe thuê, xe cơ quan thì khó có cơ sở xác minh. Người dân không phải băn khoăn, vì những trường hợp này không xử phạt. Tinh thần là chỉ phạt những người sở hữu xe không chính chủ, còn người điều khiển, sử dụng xe không chính chủ thì không phạt. Như vậy, chỉ cần người dân đưa giấy đăng ký xe, và trình bày xe đi mượn là sẽ không phải chịu phạt.

Thử hỏi, dù đúng là xe mua không sang tên đổi chủ nhưng liệu có ai trung thực vô ngần đến nỗi tự khai ra rằng xe tôi mua. Mặc nhiên, ai cũng hiểu người dân sẽ trình bày rằng xe đi mượn và trình tờ giấy đăng kí của chủ xe. Lỗi vi phạm luật giao thông không phải là lỗi có tổ chức, mà là lỗi tức thời có thể do cố ý hoặc vô tình. CSGT rất khó, nếu không muốn nói là không thể chứng minh ngay được rằng đấy là xe mua mà không sang tên đổi chủ theo đúng quy định. Như vậy, người phạm luật mặc nhiên nói dối và... được tha

Nhưng điều quan trọng đáng bàn hơn ở đây là sự nghiêm minh của pháp luật. Đã là luật thì phải nghiêm minh, có cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh để không lọt người, sót tội. Không thể có thứ luật nửa chừng xuân, có điều kiện thì xử, không có điều kiện thì tha.

Tới đây, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ có kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc xử phạt này. Nhưng hiện nay, thực tế có không ít luật chưa kín kẽ đã vô tình đẩy người dân vào con đường nói dối, "nhờn luật" một cách có hệ thống. Điều này tạo ra sự nguy hiểm rất lâu dài và hậu quả không lường hết được. Nên chăng, trước khi có sự chuẩn bị đầy đủ, quy định này nên tạm lùi thời điểm thực hiện như nhiều người đã kiến nghị trước đó.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm