Ồn ào ‘gần như’ không đáng có

24/09/2013 08:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi muốn mượn tựa tác phẩm của Shakespears MUCH ADO ABOUT “AMOST” NOTHING (Ồn ào “gần như” không đáng có) để nói suy nghĩ của mình về cuộc chiến xung quanh nhạc xưa, nhạc nay. Tại sao một chuyện đơn giản là sở thích cá nhân, vốn chẳng phải thứ để đem ra cãi nhau, bỗng nhiên thành ầm ĩ rồi còn bị suy diễn sang cả những vấn đề… vĩ mô khác. Rõ ràng là có trục trặc gì đó trong cách nói và cách hiểu của các bên tham gia cuộc khẩu chiến này.

Dù nhạc sĩ Quốc Trung có lên tiếng nói lại cho rõ rằng ý của anh cụ thể không nhằm bài bác nhạc xưa, nhưng anh vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc đắm đuối những cái sướt mướt sẽ chỉ có hại mà thôi.

Tuy nhiên, lý lẽ và thí dụ mà anh đưa ra không hề thuyết phục. Không thể so sánh chuyện cấm hút thuốc lá trên máy bay (được coi như việc phải từ bỏ thói quen cũ và xấu) với sự tiến bộ của nền âm nhạc. Vụ thuốc lá có chăng chỉ có thể so sánh với mở nhạc vô tội vạ nơi công cộng mà thôi, mà chuyện này thì không phải chỉ có nhạc xưa mới là đối tượng ưu tiên. Sở thích âm nhạc mang tính cá nhân, ai thích gì nghe nấy, không ảnh hưởng tới ai khác, tất nhiên không giống việc phả khói thuốc vào mặt người khác một cách vô tư bất lịch sự.



Nhạc hiện đại...

Nếu bảo sở thích ấy góp phần kéo lùi nền âm nhạc thì e càng không ổn. Chẳng có lý do nào bắt người ta phải từ bỏ sở thích của mình, cố ép mình nghe một thứ được cho là mới mà có khi còn cũ hơn cả cũ, dở hơn cả những cái dở đã bị đào thải trong cái cũ.

Từ bao giờ, “cái mới” bất chấp hay dở được đem ra như bằng chứng của một hành vi nghe nhạc được cho là “văn minh”? Tôi đồ rằng những người thường xuyên phát ngôn chữ “văn minh” trong chuyện hát và nghe nhạc, nhất là ở những cuộc thi hát tràn ngập truyền hình, cũng chẳng thể định nghĩa được thế nào là “văn minh”. Chẳng lẽ hát kiểu copy Âu-Mỹ, K-Pop thì là văn minh, hát kiểu đặc trưng Việt Nam thì là “sến sẩm”? Cứ cho như thế là hợp thời, thì xem lại nhạc Việt Nam bén được mấy li gót của Âu-Mỹ, Hàn Quốc? Văn minh kiểu nửa mùa như thế thì trở thành lố lăng trong mắt thế hệ đi trước, nực cười trong mắt lớp người được tiếp xúc trực tiếp “hàng xịn”, âu cũng là tất nhiên.

Sở dĩ Quốc Trung và Huy Tuấn bị “ném đá” tơi bời, là bởi, cho dù người ta không phải không hiểu ý các anh, tức là biết các anh rất muốn nền âm nhạc Việt Nam đương thời thoát khỏi sự trì trệ, cũ kỹ. Nhưng đáng tiếc là các anh đã không cắt nghĩa được thế nào là cái mới tiến bộ đáng để thay thế cho những cái cũ mà các anh cho rằng không nên đắm đuối nữa.

Loại ca khúc não nề, nỉ non, ướt át thực ra không phải đặc quyền của nhạc xưa. Nhiều bài pop bây giờ, hình thức rất hiện đại, nhưng giai điệu lời ca còn sướt mướt hơn nhiều nhạc sến thất tình ngày xưa, mà ca từ còn kém rất rất xa về tính văn học. Thế thì làm sao bảo người ta rằng cái mới hơn cái cũ được. Nếu bảo loại não tình ấy không đại diện cho cái mới, thì cái mới thực ra là gì. Có phải là những gì các anh làm ra không? Rõ ràng căn nguyên của việc người ta bỏ mới quay sang cũ đã bị lờ đi. Vai trò sáng tạo cái mới đã không được nhắc đến, coi như không có nghĩa vụ. Vậy nếu anh không làm ra cái mới thuyết phục, sao lại đi đổ lỗi cho người ta nghe cái cũ?


... Và nhạc xưa đều có chỗ đứng riêng trong thị trường âm nhạc

Ở đây đặt ra vấn đề quan trọng, đó là tính chính danh khi phê bình. Nếu một nhà phê bình âm nhạc, một nhà báo, tức là đối tượng trung dung, lên tiếng vì một chuyện tương tự, thì sẽ dễ chấp nhận hơn. Nhưng khi các nhạc sĩ, là đối tượng sáng tạo, lại nhảy ra làm thay việc phê bình, che cái này nâng cái kia, thì rõ ràng không ổn. Vì có cảm tưởng anh nhân danh chính mình, tự nâng mình lên để hạ đồng nghiệp thế hệ trước của mình xuống bằng một cách rất khéo léo là đổ lỗi cho khán giả và ca sĩ, đối tượng vốn tưởng chủ động (trong việc chọn gì mà hát mà nghe) nhưng thực ra lại khá thụ động (vì ca sĩ cần có bài hay mà hát, khán giả chờ có nhạc hay để nghe).

Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu ta coi bất cứ loại nhạc nào từng và sẽ tồn tại trên đời là một dòng riêng biệt cùng nhau chảy. Ở Âu-Mỹ họ xếp nhạc xưa thành dòng gọi là standards, là oldies, chúng tồn tại song song bên cạnh các loại từ pop đại chúng tới thử nghiệm phi đại chúng, không ai thắc mắc gì, việc ai người nấy làm. Ai thích làm gì thì làm, khán giả sẽ tự lựa chọn. Cái cũ mạnh thì cái mới có nghĩa vụ phải chứng minh bản thân để tồn tại chứ không phải ngồi đó mà… dằn dỗi.

Nếu coi Âu-Mỹ là văn minh cần học tập từ cách hát đến cách nghe, thì một điều đơn giản như thế sao không thử học xem?

Hải Anh (luật sư)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm