Những quả tạt kinh hoàng

15/11/2012 06:00 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Từ khi dân xế hộp gắn camera hành trình trên xe hơi, để ghi lại diễn biến trên đường, dân tình tha hồ được thưởng thức những pha “thót tim” trước bánh lái. Trong đó kinh hoàng nhất là những pha “tạt đầu” ô-tô “vô tiền khoáng hậu” của xe máy. Thỉnh thoảng xem được trên mạng, tôi lại không hiểu là người ta đang tham gia giao thông trên đường với mạng sống của mình hay đang thử lối chơi “tạt cánh, đánh đầu” kinh điển với quả bóng trên sân cỏ?

>> Đọc các bài viết Lối sống đô thị tại đây

1. Khi học lý thuyết lái xe, người ta có nhắc đến kỹ năng phán đoán tình huống trên đường. Đường sá đi lại đông đúc, ngã ba tư năm bảy giống bàn cờ. Những chiếc xe chính là những quân cờ, nhưng chúng không đứng im, mà chuyển động với sự mặc định là theo các quy tắc, luật lệ giao thông. Về logic mà nói, một người đánh cờ giỏi, tính toán thần kỳ thì luôn luôn tìm được nước đi tốt nhất, không bị hao binh tổn tướng một cách vô ích. Nhưng trong bàn cờ giao thông thì chưa chắc đã như vậy. Luôn luôn có những quân cờ chuyển động loạn xạ, bất chấp quy tắc, và người nào càng tính toán giỏi, càng tự tin vào phán đoán của mình càng dễ… chết. Cách đánh cờ “loạn xạ” ấy của giao thông Việt Nam, chẳng có sách nào dạy được. Chỉ có thể học hỏi bằng kinh nghiệm, với những lần hút chết, và tiêu biểu nhất là những pha “đứng tim” vì bị tạt đầu.

Làn đường phía trước đang rộng rãi, không có ngã rẽ nào, không có xe nào xin vượt hoặc xin lấn làn, xe mình chạy tà tà, tay mình nhàn nhã trên vô-lăng, miệng vô tư huýt sáo. Thoáng cái ở bên góc chữ A (góc chết ở bên góc kính lái, là vị trí người lái xe rất khó quan sát), hình như có vật gì tiến lại. Luôn luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ. Thế mà nhoằng một cái, một chiếc xe máy không biết từ đâu bỗng lù lù xuất hiện ngay trước mũi xe giống như cơn ác mộng. Theo phản xạ, mình đạp phanh dúi dụi và đánh lái xe về bên trái. Hú hồn. Bình thản thay, bác xe máy hoàn toàn không hề biết mình vừa đứng tim. Chiếc xe cũ bẩn của bác cứ đủng đỉnh phía trước xe mình, tay bác vẫn áp lên tai (thì ra bác vẫn nghe điện thoại từ ban nãy), và chỉ đến khi đến chỗ sang đường gần nhất, bác mới hơi ngoái đầu lại một tí, giả sử như lúc đó không bận nghe điện thoại, có thể bác sẽ giơ một bên tay ra để xin đường. Nhưng vì tay vẫn áp lên tai, nên bác nhận thấy chỉ cần hơi ngoái lại là đủ hiểu.

Bác, như một quân cờ đã sang sông trót lọt, và chẳng bao giờ biết cảm xúc của những người đi phía sau mình.

2. Ở bài trước, Người lịch sự không bóp còi inh ỏi tôi đã phân tích cái tư duy về làn đường của người tham gia giao thông Việt Nam nói chung là cực kỳ thấp. Đấy là hậu quả tất yếu của triết lý giao thông “Điền vào chỗ trống” (tức cứ chỗ nào trống thì đi lấn vào), chẳng cần biết cái xi-nhan là cái gì, đến dấu hiệu giơ tay, ngoái đầu, chệt chân (kiểu xe đạp) để ra dấu xin lấn làn, sang đường cũng không có nốt. Hậu quả tất yếu là đường phố loạn xạ, còi bóp inh ỏi, và ai đi đường cũng phải đặt trong tâm thế cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với một kẻ bất thình lình nhào sang làn đường của người khác.

Người ta thống kê thấy rằng, giao thông trong thành phố ít xảy ra thảm họa, nhưng các vụ va quệt thì rất nhiều. Theo tôi, đó chính là một minh chứng cho lỗi lấn làn, tạt đầu xe, bởi khi xảy ra các lỗi đó, nếu không xử lý kịp thì chắc chắn xảy ra va quệt (đâm vào đuôi nhau, hoặc đâm chéo vào sườn xe). Cái lỗi giữa những chiếc xe cùng chiều nhau này, may mắn thường không dẫn đến những cú đâm trực diện, đấu đầu, làm tan xương nát thịt, mà do phản xạ đạp phanh, đánh lái của chúng ta được mài giũa thường xuyên, nên đa số chỉ dừng lại ở mức độ trầy da, tróc vảy. Song, va quệt dù có nhẹ đến đâu, nhưng một khi làm đổ xe, văng người xuống đường, thì hậu quả cũng chưa biết thế nào…

Tôi đã từng thử lý giải một câu hỏi, vì sao khi đi đường, người ta dễ phát khùng với nhau đến thế? Phát khùng khi va quệt, đâm nhau đã đành một lẽ. Có khi hai xe vừa trải qua một tình huống, chưa đụng chạm gì đến nhau, mà hai anh tài xế đã gân cổ, nhổ nước bọt ầm ĩ, chửi nhau lộn bậy, thiếu nước nhào xuống túm cổ áo nhau để tỷ thí. Ngồi trong xe taxi đi khoảng vài ba km trong thành phố thể nào bạn cũng được nghe tài xế lầm bầm chửi tục một mình, hoặc có khi cố vượt lên xe vừa vượt mình để lừ cái mắt sang một cái mới hết tức. Tất cả chắc chắn là do lỗi lấn làn, tạt đầu nhau, gây ức chế cho người đi sau.

3. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở đó.

Phán đoán các tình huống giao thông ở Việt Nam giống cách đánh cờ “loạn xạ”, chẳng có sách nào dạy được. Chỉ có thể học hỏi bằng kinh nghiệm, với những lần hút chết.

Nhớ ngày đầu tiên, học lái ô-tô. Thầy cho giong xe ra đường trường, chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn. Đường phẳng lừ, chạy vừa đến tốc độ tối đa 80 km/h thì thầy nhắc phải giữ nguyên chân ga, đều tốc độ, để tập trung vào lái. Đúng lúc đó có xe phía sau xin vượt. Thầy cáu bảo: “Đến tốc độ tối đa rồi thì cứ đường mình đi, không cho chúng nó vượt”. Trò vâng dạ, làm theo. Được khoảng vài ba cây số, thì chiếc xe tải nhẹ bỗng lù lù xuất hiện ở bên phải (họ sốt ruột quá nên vượt phải). Xe chạy nhanh quá nên không nghe thấy gã tài xế trần trùng trục trên xe chõ mồm sang nói gì, chỉ biết rằng khi xe tải ấy vừa vượt qua mũi xe mình, thì đột nhiên bỗng tăng tốc, tạt sát đầu chiếc xe tập lái. Trò chưa quen với côn, phanh, nên đành… nhắm tịt mắt lại phó mặc cho thầy. Cú tạt đầu quá sát phạt làm chiếc xe tập lái loạng choạng, thanh ba-đờ xóc trước bị quệt vào đuôi xe tải, rơi đánh xoàng xuống mặt đường, rồi bị kéo rê đi hàng trăm mét, đến khi xe đỗ lại được. Nghĩ lại bây giờ tôi vẫn đứng tim. Thầy xuống xe, nhẩm tính làm lại mất 800 ngàn. 4 trò tình nguyện góp tiền. Thầy tươi tỉnh lại, đổi buồn làm vui, lại liên hệ ngay đến bài giảng. Thầy bảo các em phải nhớ một bài học là khi vô tình mình gây ức chế cho xe phía sau thì cẩn thận không bị nó vượt lên, tạt đầu. Thấy nó vượt lên rồi, các em phải giảm tốc độ, và cảnh giác cao độ ở tay lái nhé.

Trong cuộc ganh đua bất tận trên đường, thì tạt đầu không chỉ là một loại “lỗi” do vô tình phạm phải, mà còn là một hình thức trả đũa đầy tính sát phạt, thậm chí còn là một loại tội ác. Hai tuần trước, cư dân mạng đã truyền nhau clip xe máy tạt đầu trả đũa ô-tô trên đường 5 (do trước đó xe máy vượt ẩu bị ô-tô ép sát xe tải). Màn trả đũa kiểu “châu chấu đá voi” đó cho thấy mức độ “khùng” của người ta trên đường, sẵn sàng lấy tính mạng của mình để “nắn gân” người khác. Những chiếc ô-tô cũng không kém cạnh, khi bị xe khác vô tình hay cố ý chọc tức, lập tức vượt lên tìm cách ép nhau dúi dụi vào lề đường cho bõ ghét.

4. Hóa ra, trong tất cả các bài học của thầy ở trường lái ô-tô, tôi lại thấy thấm thía nhất và ý nghĩa nhất là bài học khi bị văng ba-đờ-xóc trên đường. Khi vô tình mình gây khó chịu cho xe khác, thì hãy cẩn thận khi nó vượt mình. Hãy giảm tốc độ và chuẩn bị đánh lái vào lề đường để thoát thân.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm