“Những bài học nông thôn” cho học trò

16/06/2011 11:56 GMT+7

(TT&VH) - Các cháu học sinh, sau một năm học “vùi đầu vào sách vở”, vất vả, cực nhọc, được nghỉ Hè tới 3 tháng. Bố mẹ cho các cháu nghỉ ngơi bằng nhiều hình thức.

Gia đình có điều kiện kinh tế, có thể cho các cháu đi du lịch trong và ngoài nước, đến sân chơi các câu lạc bộ âm nhạc, thể dục thể thao. Nhiều cháu còn được cha mẹ gửi đến Thiên viện Tây Thiên để tập tu (học cách sống đối nhân xử thế với nét văn hóa giàu tính nhân văn của nhà Phật), một số cháu thì được tập làm... quân nhân khi tham gia “học kỳ trong quân đội”. Các cháu học sinh THPT còn tham gia nhiều công tác xã hội... Tuy nhiên, không ít gia đình, cha mẹ làm ăn ở thành phố, nhưng cũng có một vùng quê nơi chôn nhau cắt rốn, lại còn ông bà nội ngoại, cô, chú, bác, anh em họ hàng sống ở quê. Tại sao lại không tận dụng môi trường thiên nhiên, chính là người thầy vĩ đại nhất giáo dục lòng nhân ái cho trẻ thơ.


Sống trong môi trường làng quê, trẻ sẽ hiểu hơn về những câu tục ngữ:
Lời chào cao hơn mâm cỗ, Con trâu là đầu cơ nghiệp... - Ảnh: Internet


Về quê nghỉ Hè là một hướng tích cực, có nhiều cái lợi trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho con trẻ mà các bậc phụ huynh nên tận dụng. Gửi trẻ về quê, bố mẹ yên tâm công tác, không còn lo con chơi tự do, đàn đúm, đua đòi với các trò chơi bài bạc, game bạo lực, đá bóng dưới lòng đường dễ xảy tai nạn giao thông. Gửi trẻ về quê cho trẻ hòa mình với thiên nhiên, có sự hướng dẫn của người lớn, trẻ sẽ phát triển ý thức và quan tâm đến môi trường sống. Môi trường thiên nhiên trong lành góp phần quan trọng cho sự phát triển sức khỏe của trẻ.

Quê hương là một trường học “mở”, đa dạng, sống động. “Thầy giáo” là người thân thương trong gia đình. Câu chuyện quanh mâm cơm gia đình là những bài giảng nhẹ nhàng, dễ hiểu của ông bà, chú bác, anh chị về những bài học nông thôn. Đơn giản như các câu tục ngữ Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, Lời chào cao hơn mâm cỗ, Con trâu là đầu cơ nghiệp... các cháu học trên lớp, nhưng để hiểu đầy đủ, ngọn ngành đâu phải dễ...  Đưa con em về quê “học Hè”, các bậc cha mẹ cần lưu ý: Muốn hình thành sự hiểu biết của trẻ qua cọ xát thực tế thì việc hướng dẫn của người lớn là rất quan trọng. Trước khi đưa các con về quê, bố mẹ cần định hướng tư tưởng, tình cảm cho các cháu. Trẻ đang sống ở môi trường thành phố đông vui tấp nập, nay đột ngột thay đổi về quê vắng vẻ, yên bình, sợ ruồi, muỗi, sợ bẩn, sợ có “ma” nữa... thấy buồn chán, cũng đã có cháu bỏ cuộc. Các bậc cha mẹ cần dặn kỹ con em khi chơi cạnh hồ ao, không đi chơi nắng, chuẩn bị cho các cháu những loại thuốc cần thiết để tiện sử dụng phòng tránh các loại bệnh thông thường.

Lê Sĩ Tứ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm