Nhảm nhí ca khúc "Mì ăn liền": Giọt nước tràn ly

12/05/2011 15:34 GMT+7

Sau Da nâu, Vọng cổ teen, Đừng yêu em, Nói dối được xem là “thảm họa” mới của nhạc Việt. Chẳng phải bây giờ dư luận mới bức xúc về loại ca khúc “mì ăn liền” của sân khấu nhạc thị trường, nhưng khép ca khúc vào hàng “thảm họa” thì bây giờ là lúc giọt nước đã tràn ly.

Thị trường nhạc bị “ô nhiễm”

Nhảm nhí, vô bổ, thậm chí lố bịch là những điều dễ nhận thấy ở hàng loạt ca khúc đang được lưu hành trên các sân khấu ca nhạc, băng đĩa, mạng internet…

Sau Da nâu, Vọng cổ teen, Đừng yêu em, Nói dối được xem là “thảm họa” mới của nhạc Việt.

Đó là những bài hát: Hôm qua khác, hôm nay khác; Yêu trong mù lòa; Nói dối, Người gian dối sẽ gặp người dối gian, Tôi là gay, Anh không thể bất công với em; Đàn ông không thể quên hết tình còn nghĩa… chỉ nghe tên thôi đã thấy “sởn da gà”.

Liên quan đến chất lượng ca khúc, từ nhiều năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm bàn về giải pháp nâng cao chất lượng ca khúc. Thế nhưng, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều giọng ca “ảo” với những danh xưng “công chúa”, “hoàng tử”, những ca khúc có ca từ ngây ngô, “vẹo vọ” vẫn liên tiếp ra đời. Nhiều người bảo, nguyên nhân của tình trạng “đẻ non” ca khúc là do sự a dua, “hiệu ứng đám đông” của một bộ phận giới trẻ thích xem, ngắm, hơn là nghe nhạc.

Về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Đức Chung nói: “Quy luật phát triển của xã hội kéo theo sự phát triển của nhiều thứ. Âm nhạc phát triển không thể tránh được sự chuệch choạc của nó, vấn đề là ở chỗ trách nhiệm thuộc về ai và từ đâu? Nhạc sĩ có quyền tự do sáng tác – tất nhiên là thế. Nhưng nhạc sĩ phải là người có trình độ, bản lĩnh và tự trọng để cân nhắc cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Hiện nay, bên cạnh những nhạc sĩ trẻ có trình độ chuyên môn, nhiệt tình, sôi nổi với phong trào và rất tự trọng… cũng có nhiều nhạc sĩ trẻ chủ quan, nóng vội với sự nổi tiếng, thiếu rèn luyện, thể hiện cái tôi lớn quá, dẫn đến cho ra đời những bài hát có nội dung, ca từ ngô nghê, méo mó, thậm chí là bệnh hoạn”.

NSƯT Tạ Minh Tâm thì cho rằng: “Sự xuất hiện ngày càng nhiều ca khúc kém chất lượng dẫn đến giới trẻ đang chịu sự ô nhiễm về âm nhạc. Nhạc trẻ đại diện cho những xu hướng và thị hiếu của giới trẻ nhưng với những ngôn từ không trong sáng sẽ rất dễ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và cách sống của họ. Chẳng hạn như sự dễ dãi, hời hợt… Cần phải có định hướng ý thức cho những sáng tác trẻ và hơn ai hết khán giả phải ý thức được thị hiếu thẩm mỹ của chính mình”.

Không thể để “sinh” rồi mới trách!

Sự ra đời và tồn tại của các ca khúc chất lượng kém không chỉ thuộc trách nhiệm của giới sáng tác, hay thị hiếu của một bộ phận khán giả trẻ mà các nhà sản xuất, nhà đài, nhà tổ chức, thậm chí là cơ quan cấp phép cũng phải cộng đồng trách nhiệm. Nói vậy là bởi, những ca khúc bị chính dư luận xếp vào hàng “thảm họa” như Da nâu do ca sĩ Phi Thanh Vân thể hiện, vẻn vẹn có 13 từ… “chễm chệ” xuất hiện trên sóng của VTV. Các ca khúc khác như Teen vọng cổ do Vĩnh Thuyên Kim thể hiện lại còn được BTC một giải thưởng âm nhạc trực tuyến trao cú đúp – nữ ca sĩ triển vọng và Top 10 ca khúc của năm. Sự lăng xê không tính đến hậu quả này đã khiến Vĩnh Thuyên Kim “tưởng bở” tiếp tục cho ra đời Ầu ơ ví dầu tương tự như Teen vọng cổ, kết hợp nhạc trẻ với cải lương một cách vô lối.

Về điều này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quy thẳng trách nhiệm: “Hiện nay, nhiều nhạc sĩ trẻ cho ra đời những ca khúc quá dễ dãi, thậm chí dung tục đã gây khó chịu cho không ít người nghe. Nhưng tại sao các ca khúc ấy không hề mất đi mà ngày càng nở rộ? “Con hư tại mẹ”, biết hư mà không dạy, rồi buông thả. Các chương trình trên phát thanh, truyền hình hiện nay thiếu chặt chẽ khi phát những ca khúc có ca từ không thể hiểu nổi”.

Cùng chung quan điểm này, NS Đức Chung cũng bày tỏ: “Nhiều ca khúc sáng tác theo nhạc nước ngoài, đọc ráp với những ngôn từ hết sức nhảm nhí, cả những xưng hô bình thường… đều đưa vào nhạc. Giải pháp để hạn chế những ca khúc đang khiến thị trường nhạc bị “ô nhiễm” nặng là nâng cao ý thức của người sáng tác. Nhà trường, đoàn thể, các cơ quan thông tin tuyên truyền, dư luận xã hội phải cộng đồng trách nhiệm vào cuộc. Tuyệt đối không lăng xê, cổ súy những ca khúc kém chất lượng; những kiểu “đốt đền” để nổi tiếng của những nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ… Các cấp quản lý văn hóa thì phải xiết chặt công tác thẩm định, cấp phép và có biện pháp xử lý nghiêm minh với những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác, biểu diễn của giới nhạc sĩ, ca sĩ trẻ. Tránh tình trạng để “sinh” ra rồi mới đi trách…”.

Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm