"Nhạc thiếu nhi thị trường": Hơn cả thảm họa

14/06/2011 15:00 GMT+7

Sau bài Nhạc thị trường “làm thịt” trẻ con, những video ca nhạc cũng như đoạn phim quay các tiết mục biểu diễn của hai nhóm nhạc nhí HKT-M và ACK đã được chuyển tới một số chuyên gia âm nhạc để lấy ý kiến.

Nhạc sĩ Giáng Son: “Lỗi ở văn hoá của cha mẹ"

Tôi không dám xem đến hết bài vì sốc quá! Những gương mặt trẻ con nhưng lời lẽ tán tỉnh yêu đương của người lớn nghe phản cảm. Trên gương mặt các em đã có sự quyết tâm “nổi tiếng bằng mọi giá” rồi!




Theo tôi đây tiếp tục là một thảm họa nữa của nhạc Việt. Sự vô lương tâm của các ông bầu nghĩ ra chiêu, trò mới này không những đẩy âm nhạc Việt Nam vào một thảm họa mới, mà còn gieo rắc cho khán giả nhỏ tuổi thẩm mỹ âm nhạc vô văn hóa, nhố nhăng. Tôi bất ngờ khi các ban nhạc này lại còn được các MC tung hê như những ngôi sao, được truyền hình mời giao lưu. Muốn chấm dứt tình trạng này phải có sự ra tay quyết liệt của nhà quản lý.

Tôi cũng nhận thấy khán giả tại nơi biểu diễn hưởng ứng nhiệt liệt các ban nhạc này, đặc biệt các em nhỏ. Trẻ em cần sự quan tâm, bao bọc của gia đình và xã hội. Khi gia đình và xã hội không quan tâm đời sống văn hóa tinh thần của các em, để chúng vô tư tiếp xúc với những thứ văn hóa độc hại thì lỗi là ở bố mẹ, văn hóa nền của chính bố mẹ.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: “Sẽ bị đào thải”

Tôi thấy tiếc cho các em nhỏ mất hàng năm trời, có khi mất cả tuổi thơ vào những trò làm hàng phản cảm, là nạn nhân, công cụ cho một số người kiếm tiền. Cái mất nhiều hơn là hậu quả về tâm hồn, nhận thức, thẩm mỹ. Tôi cho rằng hiện tượng này sẽ không có đất sống. Nhưng dù sao nó vẫn là vết nhơ trong đời sống âm nhạc.

Nhạc sĩ, nhà báo Trần Lệ Chiến: “Cần kiểm soát các sân chơi cho trẻ”

Tôi không thể nghe, và cũng không thể xem quá 2 phút cho mỗi clip của các nhóm nhạc nhí. Đầu tóc, quần áo, bài hát kể cả vũ điệu với những động tác khó chấp nhập ở lứa tuổi của các em. Tôi thấy thật buồn là không hiểu sao những video clip này có thể dễ dàng phát tán, thậm chí còn được đưa ra thị trường bằng những đĩa CD, VCD do người bán đĩa dạo, đĩa lậu phát tán. Nhà quản lý cần kiểm soát các tụ điểm ca nhạc, sân chơi dành cho giới trẻ một cách nghiêm túc hơn nữa.


Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: “Người lớn còn bắt chước Tây, Hàn, trách gì trẻ con”

Từ rất lâu rồi, cứ cái gì của Tây, và gần đây là Hàn Quốc, Nhật Bản đều được coi là hiện đại, là hình mẫu, được người Việt học theo với sự thích thú, ngưỡng mộ. Đó là thói quen của cái gọi “tiếp biến văn hóa” với sự ngây ngô, dễ dãi.

Trẻ em như tờ giấy trắng, mọi thứ được tô vẽ trên đó như thế nào là hệ quả của cả một quá trình giáo dục có ý thức, hoặc sự tiếp nhận vô thức. Thử hỏi, nghệ sĩ người lớn cũng muốn giống Tây, tại sao trẻ con có thể khác? Thử hỏi tại sao những giá trị nghệ thuật nhăng nhố mà các bé thể hiện một cách tội nghiệp lại có được sự cổ vũ của những đám thính giả nhất định?

Rõ ràng chúng ta đã lơi lỏng, cũng có thể là bỏ quên cả một quá trình định hướng giáo dục Chân- Thiện- Mỹ quá lâu rồi. Cơn sốt nghệ thuật dị dạng này sẽ tiếp tục lây lan hay chết yểu, là cả một câu chuyện dài, phụ thuộc quá nhiều vào những người được coi là lớn!

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm