20/06/2013 13:46 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nói nhà báo chạy sô thì cũng chẳng phải điều mới mẻ gì, chưa cần nói gì nhìn Facebook đó đã thấy vô vàn status khoe việc chạy sô một cách hãnh diện từ họp báo này qua tiệc tùng khác kèm những hình ảnh xúng xính bên các ngôi sao, gọi ca sĩ này diễn viên nọ là anh Hai, chị Ba, em Út như thể thân thương lắm. Những thứ ấy tạo ra một lớp vỏ có vẻ rất hào nhoáng cho công việc của những phóng viên mảng văn hóa văn nghệ...
Nhưng người ngoài nào đó từng cảm thấy choáng với vẻ hào nhoáng ấy liệu có giật mình khi nghe được một nhóm phóng viên đeo máy ảnh chạy tung tăng dọc ngang Nhà hát Hòa Bình trong một buổi lễ trao giải âm nhạc lớn hỏi nhau : “Ủa ông già nào đây sao lại lên sân khấu thế này?” khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bước ra trao giải? Tôi còn nhớ hơn 10 năm trước ngồi nói chuyện với mấy em trẻ đang bắt đầu vào nghề báo, các em hoàn toàn không biết Bảo Yến, Nhã Phương là ai, lúc đó thấy “sốc” quá, phải cố tìm lời giải thích rằng bọn trẻ không nghe nhạc các diva đời đầu như thế nên không biết cũng là thường, nhưng bọn trẻ này lại muốn làm báo nên cũng vẫn có gì đó không bình thường.
Chính vì cái lớp vỏ lóng lánh bên ngoài ấy nên với nhiều người, công việc của một nhà báo văn nghệ có vẻ nhàn tản quá. Và tôi e rằng chính sự nhàn tản ấy tạo nên sức ì của người viết báo. Cứ thử nhìn vào thời gian cuối năm mà xem, nhà báo chạy sô mệt nghỉ đi event, ra mắt album, dự tiệc tổng kết cuối năm, tiệc riêng của nghệ sĩ cảm ơn cả năm qua đã ủng hộ, chưa kể việc phải lo thể hiện mình trên những băng ghế các show truyền hình thực tế… Mút mùa như vậy rồi thời gian đâu mà bình tâm nghe kỹ, xem kỹ những gì được nghệ sĩ gửi gắm. Thế cho nên cũng khó mà đòi hỏi gì nhiều khi mở trang báo in hay trang mạng ra mỗi ngày sẽ gặp nhiều tin na ná nhau, hôm qua show thi hát trên tivi thí sinh kém quá thì ngày hôm sau đồng loạt có một mẫu số chung là “nhạt” không cần giải thích hay bình luận gì; cũng hôm trước có một hiện tượng bất ngờ là ngày mai đồng loạt có một cơn nức nở tập thể không nguyên cớ riêng biệt rõ ràng; giới thiệu các album thì càng giống nhau hơn vì trích từ thông tin có sẵn cho tiện. Cái thời đọc báo bằng nhìn tên người viết giờ dường như đã xa lắm rồi. Để xảy ra chuyện này là lỗi của ai?
Nhưng cũng có thể với nhiều người viết báo bây giờ, việc để lại dấu ấn với họ biết đâu cũng xa xỉ phù phiếm như chính những gì họ tiếp xúc hàng ngày qua công việc? Bây giờ báo mạng nhiều, ăn thua nhau ở tin nóng, lộ hàng, ngôi sao hớ hênh từ phát ngôn tới áo quần… đẩy những gì thuộc về bề sâu, bề chìm, về nền tảng xuống hàng thứ yếu. Một bài bình luận có khi ngốn cả một buổi tối hay cả ngày của một người viết, thời gian ấy làm được hàng chục cái tin “hot”, lượng người xem cộng lại đông bằng mấy những thứ gọi là “sâu sắc”.
Chia sẻ thế này không phải để phê phán ai, mỗi người đều có công việc của mình, có quan niệm làm nghề riêng của mình. Người đọc bây giờ đa số cũng thích thú với những điều đơn giản như vậy. Nhưng chẳng lẽ cuộc sống của chúng ta lại chỉ có những qua lại tẻ nhạt vậy thôi sao?
M.N (nhà báo)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất