Nghĩ về du lịch

28/07/2017 06:52 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Dào San thuộc xã Mường So. Năm 1991, đi qua xã, được bí thư đảng ủy Mường So, bà Đèo Thị Ly chuốc 14 chén rượu khiến tôi say hết ngày hôm sau. Cũng bởi không biết phong tục tiếp khác của người Thái, mỗi chén rượu là một lời chúc một thành viên trong nhà tôi!

Hôm nay chuyện qua điện thoại với một bạn ở Dào San mới biết đồn trưởng tên Đức, không còn là Trần Quốc Toản của 11 năm trước. Có khi đồn Dào San đã thay vài lần đồn trưởng.

Tôi đặc biệt khâm phục những đồn trưởng của những đồn biên giới. Từ Dào San ở Lai Châu đến Lũng Cú ở Hà Giang tôi đều gặp những đồn trưởng có phẩm chất không chỉ là lính mà còn là một nhà quản lý hành chính tận tụy với làng bản.

Chú thích ảnh
Chợ rừng Dào San ở Lai Châu. Ảnh: Internet

Các anh nắm vững địa bàn và gia cảnh gần như từng nhà một, đói no nghiện ngập, sĩ số các lớp cắm bản, các thầy giáo người xuôi hay dân sở tại... đồn trưởng đều hiểu chi tiết từng người như là bí thư chủ tịch được lồng vào trong người ông đồn trưởng.

 Tôi thực sự khâm phục sự tận tụy hy sinh của các đồn trưởng vì sự an ninh của địa bàn, vì hạnh phúc của người dân mà làm việc. Có lúc ngồi nghĩ, giá những vị trí cao hơn của Trung ương và các địa phương trong nội địa có một phần phẩm chất của những đồn trưởng ở biên cương thì đất nước sẽ khá lên nhiều.

***

Người gọi điện cho tôi là một người đang giúp tư vấn miễn phí cho Lai Châu làm  du lịch. Anh nói với tôi thứ du lịch khám phá mà tôi rất tâm đắc, mà Dào San là một điểm lý tưởng. Cũng là câu chuyện của tỉnh xa xôi nghèo khó chẳng bói đâu ra tiền để xây nọ dựng kia mởđường hoành tráng nên phải lần mò tìm cách…

Tôi bảo từ lâu rồi, cách nghĩ và làm du lịch của chúng ta là không ổn. Đúng ra là phải củng cố văn hóa, lấy văn hóa là cốt lõi cho phát triển du lịch, để thế giới người ta đến Việt Nam tìm hiểu và khám phá chứ không phải để ăn nhậu và "tận hưởng tới bến".

Cái lối bòn mót thiên nhiên phá hoại thiên nhiên bằng đường bê tông ngang dọcchính là sự phá hoại tận cùng với những giá trị văn hóa thiên nhiên để làm du lịch. Mong những cái đó phải sớm chấm dứt để người ta có thể đến những vùng đất và con người nguyên bản, không có thứ lấp lánh kim sa ngụy tạo. Bây giờ nhiều nơi là thứ du lịch chộp giật không thực sự bền vững.

***

Có lần một người bạn Thụy Điển của con tôi hỏi: Tao thấy nước mày người ta đói triền miên hay sao ấy? Nó bảo: Sao mày nghĩ thế. Bạn nó đáp: Thì đấy, cứ gặp nhau là kéo vào quán ăn nhậu, ăn nhiều hơn trò chuyện khám phá.

Vì sao Quy Nhơn ngày càng 'gây nghiện' cho dân du lịch?

Vì sao Quy Nhơn ngày càng 'gây nghiện' cho dân du lịch?

Khi du lịch miền Trung, phần lớn mọi người vẫn quen hoặc thích đi Đà Nẵng/Huế/Hội An... chứ ít người chú ý đến Quy Nhơn. Thực tế Quy Nhơn cũng là nơi đáng đến...

Quả tình chuyện đó không ngoa. Tôi đang nghĩ hình như người Việt mình làm du lịch không nghiên cứu văn hóa mà đem quan niệm ăn uống, "tận hưởng" của mình ra đo thiên hạ để làm du lịch hay sao ấy, cho nên lo nhà hàng đặc sản, lo ăn ở tiện nghi… coi như đó là bản chất của thu hút du lịch. Những dịch vụ du lịch đó là vô cùng cần thiết, nhưng không phải tất cả.

Nhớ năm 2010 tôi đưa một đoàn 4 người Pháp qua Mã Pì Lèng. Họ xuống xe tự đi bộ 14 cây số qua đèo để khám phá khung cảnh tuyệt vời mà theo họ Mã Pì Lèng để ngắm, để hít thở không khí mát lành sạch sẽ của cao nguyên. Khi sang Bắc Hà, họ cũng đi bộ trên 20 cây số vào chợ Cán Cấu để tiếp cận với rừng núi và con người tại đây.

Những điều đó ngành du lịch Việt Nam chắc còn phải mất chặng đường dài để tìm hiểu cho ra…

Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm