Nghề đánh giậm

28/08/2010 13:27 GMT+7

(TT&VH) - Tôi nghĩ đánh giậm có thể coi là nghề đứng sau chót trong mọi nghề: bắt tôm tép dưới nước. Một cái nghề sống dán một nửa vào thiên nhiên, chịu sự may rủi chi phối.

Đánh giậm, cái nghề khốn khổ luôn ngâm nửa người trong nước, đến độ khi ghét bỏ kẻ khác người ta dùng câu: “thâm như dái thằng đánh giậm” cho hả.  

Dù là cái nghề vất vả nhưng nghề đánh giậm đang mất dần khi đầm phá sông ngòi có chủ theo luật đất đai, nên đâu dễ ai cho vác giậm vào đánh. Phần còn lại thì người ta san lấp lấy đất chia lô bán. Hỏi còn chỗ nào mà đặt giậm? Đánh giậm như thế sắp hết đất.

Ấy đừng bi quan vội.

Thuở phát minh ra thuốc súng, người ta làm cái pháo tép nổ đánh đẹt, nghe như tiếng phát mông con trẻ. Sau người ta nghĩ ra cái pháo đùng, nổ to hơn nhiều lần. Chưa hết người ta chế sang bom.

Bom tạ, bom tấn, tưởng đã là hết sảy thì tiếp đó người ta chế ra bom nguyên tử, và hàng đầu bây giờ là bom hạt nhân.

Thấy chưa. Từ một phát kiến nhỏ như que diêm nó đã tiến lên thành cái núi lửa.

Nghề đánh giậm cũng thế. Không nên hiểu khái niệm đánh giậm theo lối đơn thuần là trang bị cái giậm ống mõ và cái giỏ là có thể hành nghề. Nghĩ thế chật hẹp quá, nó làm khó cho chính mình. Người Nhật có câu chuyện cung thủ cao cường không cần cung mà vẫn bắn rơi chim nhạn. Ông ta bắn bằng tâm tưởng. Cho nên mới có chuyện thần cung khi nhìn cây cung treo trên vách còn hỏi chủ nhân: cái gì đây.

Nghề đánh giậm bây giờ cũng thế. Người ta có thể đánh giậm được tất, từ tiền bạc đến vinh quang, danh vọng và chức tước. Tức là có thể đánh giậm được tất cả những gì họ ước muốn, chứ không nghèo nàn như con tôm, con tép ngày xưa.

Đánh giậm bây giờ đã tiến xa, rất xa nguyên gốc nghề của nó. Nghề nào bây giờ cũng có thể quơ giậm vào đánh chứ không cần phải có mặt nước, ao hồ như khởi nguồn của nó. Mà cũng vì thế mà không cần phải có đầy đủ dụng cụ như cái giậm, ống mõ và cái giỏ.

Và rất nhiều “giậm thủ” khi nhìn thấy cái giậm thật vẫn trố mắt lên hỏi: cái gì đây, hệt như thần cung hỏi cái cung vậy.

Như thế để thấy chúng ta đang có rất nhiều “thần giậm”. Đi họp nhận phong bì là loại “đánh giậm phổ thông”, chỉ cần cái túi áo thay giỏ là được.

Kí cọt nhận tiền bồi dưỡng phía sau cũng là kiểu đánh giậm thời mua quan chạy chức. Làm nghề nào ăn nghề ấy cũng là lối đánh giậm mang tính phổ thông. Rồi ra còn đánh giậm tài nguyên như đất đai, hầm mỏ, đánh giậm cả chính sách... Đánh giậm thời nay không vất vả như cha ông ta xưa.

Từ vất vả đến sung sướng, từ sơ sài đến phong phú là nghề đánh giậm. Tôi có cảm nghĩ nghề đánh giậm hình như đang là nghề thịnh hành, đang là thời thượng.
 
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm