Ngẫm ngợi cuối tuần: Thượng võ hay bạo lực?

29/09/2013 07:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy hôm rồi xem ti vi thấy những con trâu đẹp đấu nhau ở Đồ Sơn và đám đông cuồng hét... Con trâu bị húc ngã chống cự yếu ớt, con thắng ngoắc sừng tới tấp vào đầu vào cổ con thua khi nó đang nằm bất lực. Cảnh tượng thật ghê sợ.

1. Từ lâu tôi đã không thấy thú vị gì với cái lễ hội này vì tính bạo liệt của cuộc tranh hùng, mặc dầu cũng biết chút lai lịch lễ hội chọi trâu ở Phú Thọ hay ở Hải Phòng đều gắn với một truyền thuyết lịch sử có vẻ như rất ý nghĩa với tinh thần thượng võ của dân tộc.

Trong đầu tôi, hai con trâu hiền lành béo tốt được xua ra đấu trường. Chúng vốn là con vật hiền lành của nhà nông nhưng được nuôi dưỡng đặc biệt để trở thành các “võ sĩ giác đấu” như lịch sử đấu trường La Mã năm nào… Chúng xông ra và chẳng vì lẽ gì, cứ xông thẳng vào nhau tiêu diệt đối phương dưới sự cổ vũ của con người.

Tôi đã đọc truyện ngắn của Phạm Ngọc Tiến viết về những người nuôi trâu chọi. Họ lần mò lên vùng rừng núi tìm những con trâu xem móng xem sừng con nào thích hợp với việc tranh hùng rồi về chăm nuôi, hướng con trâu đến dần với tính hung hăng, gọt sừng, chăm móng để rồi một năm một lần xung trận và… một lần được lên thớt!


2. Có rất nhiều lý lẽ biện minh cho cái lễ hội này, nhất là thời đại kim tiền đặt lên hàng đầu của các nhà tổ chức. Tôi hoàn toàn hiểu và nhận biết rằng lễ hội chọi trâu này cũng đã từng đóng một vai trò văn hóa nào đó trong đời sống tinh thần của một số nơi trên đất nước...

Nhưng tôi cũng hiểu văn hóa nào thì cũng hình thành từ cuộc sống xã hội, và rồi nó tác động ngược lại. Tôi cảm nhận thấy sự “man rợ” khi kích động hai con vật hiền lành thân thiện bên nhau trở thành đối kháng, và bi kịch cứ diễn ra mà không thể không tác động vào tâm lý xã hội, nhất là tuổi thơ, về yếu tố kích thích sự hiếu thắng.

Tôi muốn nhìn văn hóa dân tộc theo một hành trình để lý giải các hiện tượng, và từ hiện tượng để lý giải hành trình văn hóa sống. Tôi nhìn thấy sự tiêu cực hơn là sự tích cực của lễ hội mang tính bạo lực này trong thời đại ngày nay, dù chỉ là sự đối đầu giữa hai con vật.

Và như vậy, tôi nghĩ chọi trâu có thể chưa từ bỏ nhưng cũng không nên cổ xúy trên thông tin đại chúng như bây giờ, vì tính bạo liệt đẫm máu của cuộc tranh thắng thua. Liệu việc đi  tìm nguồn vui qua sự tranh giành này có để lại di hại về tâm lý cho một bộ phận lớp trẻ ?

Tôi nghĩ đã đến lúc xếp dần chọi trâu vào giá trị một thời và dần đi đến từ bỏ nó như là việc nó đã hoàn thành sứ mệnh dưới thời đại của nó. Thời nay, cái thượng võ kiểu bạo lực này chúng ta đâu cần nó nhiều đến thế. Chúng ta cần đất cho lối sống.

Bài và minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm