24/01/2015 08:07 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chị tôi ra phố lâu. Chả là anh có nghề làm da, khâu giày khâu bóng. Chị chạy chợ buôn chuyến. Đi lại như thoi. Làng quê chỉ còn là cái gốc gác cho việc khai lý lịch. Hôm xuống chơi với chị vào ngày chủ nhật, lan man chuyện quê mới biết chị cũng lắm tâm sự.
Chị bảo: Mình ra phố sống thoáng quen, giờ có về quê cũng không dễ mà sống nổi… Người nhà quê dễ mà khó chú a. Hay để ý vặt lắm. Chị mắc nhiều rồi. Họ hàng cả đấy, chi trên chi dưới gần gũi cả nhưng cũng không dễ đâu. Cưới con mà không về vào từng nhà mời thì ăn đủ trách móc: Nào là việc nhớn thế mà ba bước chân nó cũng chả muốn nhắc, ai thèm đến nhà nó. Nếu chỉ gửi thiệp thì bị bĩu môi: Nó cậy có của, in cái thiếp ném toẹt là xong, rõ rởm đời. Nếu đi mời mà không kèm cái thiệp thì bị chê là kiệt xỉ, ai mà ngồi nhớ ngày! Còn nếu đến nhà có nhời rồi đưa thiếp gửi lễ thì dễ có cởi mở bất ngờ: Này vẽ quá cho khổ, thế điện thoại đẻ ra để làm gì, gọi báo cái là xong mà phải đi cho vất vả. Mà bao nhiêu chỗ, đi sao cho xuể. Nhưng nếu chỉ điện thoại không thì có mà bị chửi cho ủng mả!
Làng quê tuy có những mặt trái thế nhưng chuyện hiếu hỉ thì lại vô cùng cẩn trọng. Người nhà quê coi trọng nghĩa tử là nghĩa tận. Có chuyện hiếu dù xa mấy cũng cố sắp xếp đi viếng mà không nề hà gì. Cũng tha thứ cả không đàm tiếu về những cái không hay về người đã khuất. Làng quê luôn coi cái chết đem đi tất cả. Nên nói xấu vong linh người đã chết là không được hưởng ứng, trong đám ma không có chuyện kì thị phá phách vòng hoa, giật băng phúng viếng. Cái đó đố ai bảo được người nhà quê làm. Vong linh người chết dù là ai cũng được tôn trọng đặc biệt.
Người trong quê dễ mà khó là thế. Người này rất hay phán xét người khác, kết tội người khác theo ý của mình cứ dễ như chơi. Chia sẻ thì ít, ganh tị xét nét kèm theo suy diễn thì nhiều. Vừa chủ quan lại vừa tự tin mới lạ chứ.
Những lúc họp gia đình, họp họ, nhiều việc nêu ra xin ý kiến thống nhất, người nọ nhìn người kia, lúc cần ý kiến ý cò thì nín lặng, nhưng rồi sau họp lại rôm rả lắm, chém gió hơn cả chợ phây - bốc
“Đất lề quê thói” là thế. Cái “lề” như cái nề nếp rất khó thay đổi, nó có giá trị tinh hoa, là niềm tự hào của làng xã kể cả khi đi xa thì “lề” vẫn là giá trị tự hào được đem theo trong tinh thần của người làng. Còn “thói” là thói quen, cũng có thể là thói xấu vẫn nằm trong giá trị sống hình thành do cọ xát trong đời sống mà nảy ra thì cũng tồn tại song song cũng khó giỡ bỏ, mà cũng không ai có ý thức giỡ bỏ. trong câu nói cửa miệng thì “lề thói” luôn đi cùng nhau.
Đất lề quê thói là sắc thái văn hóa của từng vùng quê, nó là văn hóa. Lề thói đó được hình thành từ đất sống và các mối quan hệ xã hội. Cho nên cuộc sống biến động thì lề thói sớm muộn rồi cũng đổi thay theo. Cuộc sống tạo ra lề thói rồi cuộc sống lại phủ nhận bằng cái mới trên chính mảnh đất đó.
Những câu chuyện như thế này về làng quê thì không bao giờ có điểm dừng.
Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất