18/01/2013 12:58 GMT+7
1.Khi trò chuyện về cuộc sống, tôi hay đùa với đám bạn trung niên, muốn kiểm tra xem mình già hay chưa thì hãy kiếm tra qua mắt mình, sau đó là tay mình… Bạn tò mò hỏi, kiểm tra thế nào, phải đến bệnh viện hay sao. Tôi bảo không cần, kiểm tra của bệnh viện mang tính khoa học, còn đây là kiểm tra sự sống thì không cần bệnh viện.
Tôi giải thích, mắt đàn ông mà nhìn phụ nữ đẹp mà không rung cảm nữa thì coi chừng. Nói năng với vợ mà trống không nhấm nhẳn là đã lâm bệnh… Thế là sinh khí trong người đã hao vơi như bát canh cuối bữa, như cây lá héo, đã có hiện tượng gẫy cành bục gốc đứt rễ đấy.
Các bạn nghĩ sao?
Khi người ta không ham muốn gì nữa là lúc ấy tuy còn sống nhưng sống có một nửa. Cây đã bắt đầu mục ruỗng.
2. Có ai đặt câu hỏi rằng cái cây giữa phố bốn bên lát gạch, không ai tưới bón mà vẫn xanh tốt là vì sao? Vì sao nó sống trăm năm hơn nhiều tuổi thọ một con người…? Dễ thôi, bởi nó có bộ rễ ăn sâu vào lòng đất hút nước và chất màu nuôi thân cây. Cây bền lâu bởi có bộ rễ khỏe chia nhiều nhánh nên cây mới bền, hãy xem cây si rễ chùm, cây duối rễ cọc, cây đa chia thân bằng nhiều nhánh rễ đại và gốc bạnh to… Sự sống có hay không chỉ cần quan sát ngoại diện của nó là thấy.
(Tuy nhiên, con người khác thực vật, khi con người chỉ còn nhăm nhăm nghĩ đến tiền, hút tiền cho thật nhiều thì là con người thực vật rồi, con người lúc ấy giống cái cây biết đi!)
3. Một đất nước mạnh mẽ thì ai cũng biết là sức mạnh từ dân chứ không phải của mấy anh nhà giàu. Tiền không giữ được nước, mà là sự kết gắn như rễ cây rừng đại thụ kia mới là sức mạnh. Dân mạnh thì đất nước như cây cối tốt tươi.
Cách đây trên mười năm, người ta nói đến cái lỗi hệ thống nên xã hội đâm ra lình xình. Rồi nhiều hội nghị và trên diễn đàn Quốc hội, kể cả họp trung ương đã nhận ra rằng cái lỗi đó gốc rễ là cơ chế. Cơ chế là ta xây dựng lên thấy không phù hợp nữa thì thay đổi đi. Một thập kỉ sửa chữa thế nào mà nội vụ bùng nhùng thêm. Chả nhẽ nhận đinh đó sai?
Đừng sống như chết chưa chôn. Sự ham hiểu biết khám phá mà không còn là chết một nửa rồi. Quen dùng cái đồng hồ cũ máy móc rệu rạo thì sai giờ là dễ thấy. Cho nên tôi thật sự kính nể khi có dịp trò chuyện với nhà văn Tô Hoài lúc ông gần 90 tuổi. Tôi thấy bác vẫn viết đều. Tôi hỏi bác câu ngớ ngẩn là con cháu phương trưởng, nhà không thiếu thốn cần gì nhiều tiền lắm đâu mà vẫn viết, thì ông cười bao dung: Cậu nhầm rồi, mình viết là để vệ sinh cái đầu! Hàng ngày ông vẫn đọc báo và ngồi viết. Giờ ngoài 90 tuổi mà ông vẫn đọc và viết. Sống ham hiểu biết tìm tòi thế mới đáng sống chứ!
Sống là như vậy!
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất