Ngẫm ngợi cuối tuần: Sao không lên tiếng?

26/10/2013 09:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân chuyện khai giảng năm học mới, chuyện lạm thu ồn ào khắp các trang báo mạng làm tôi nhớ lại câu chuyện năm xưa ở trường Chu Văn An, nơi hai đứa con tôi theo học.

Trước đây việc họp phụ huynh thường nhà tôi đi. Lần duy nhất đi thay vợ ấy tôi phát hiện ra thường ban đại diện là những người khá giả và nhanh nhảu. Những phụ huynh nhà nghèo thường lẩn tránh vị trí đó.

1. Lần ấy chị trưởng ban là một nhà nghiên cứu văn học, gia đình giàu có. Ngoài các khoản đóng góp phí học đường có tính chất cố định, đến phần quĩ phụ huynh lo quà trong ngày lễ tết cho thày cô thì chị đưa ý kiến mỗi suất đóng 500 ngàn. Có tiếng ồn ào lo lắng rộ lên. Có một người rụt rè “vậy có cao qúa không”? Không ai đáp lại, chị trưởng ban nhanh nhảu: “…Có là bao khi các thày cô hàng ngày săn sóc cho con cái chúng ta…thế nhá, chúng ta thống nhất được chưa”.

Xem ra sự việc quyết định đến nơi. Tôi ngoái nhìn lại cả dàn phụ huynh và cảm nhận được ngay không khí o ép đang bao trùm nặng nề. Tôi giơ tay xin phát biểu rằng tiền góp lo quà lễ tết cho thày cô thế cũng chẳng nhiều… suất hàng triệu cũng chưa phải là to với người thày dẫn dắt con em mình, đúng vậy. Nghe thế nhiều người ngứa ngáy bứt dứt quay sang hai bên như đang tìm cách bộc lộ nhưng rồi cũng không ai dám nói gì. Chị trưởng ban mặt nở nang như đang có đồng minh.


Tôi nói tiếp: nhưng vừa rồi tôi nghe bác D. ở Gia Lâm có 3 con đang tuổi đến trường, một đứa học ở đây, còn hai đứa ở trường xã, chưa biết đóng góp thế nào, mà nhà chị ấy làm nông. Ông Kh. ở Đông Anh có đứa con thi đỗ vào đây nhưng nghe đóng góp thế này thì kiếm đâu ra…Biết gia đình nào cũng có một hai con đến trường, vậy tôi xin đề nghị thế này: Nên ở mức 100 ngàn một suất, chúng ta cần biết số đông ở đây là khó khăn, trừ một số khá giả…Cả hội trường im lặng, nín thở. Tôi nó tiếp: quĩ thì không biết bao nhiêu là đủ, là xứng đáng, nhưng đóng góp thì cần xem chung mặt bằng. Chị trưởng ban nhà khá giả thì thấy không to, nhưng những nhà nghèo lo thắt ruột thắt gan đấy.

Nhưng để cho thoải mái, tôi nghĩ chị trưởng ban và một số gia đình khá giả có thể đóng 500 ngàn đồng, 1 triệu hoặc hơn và chúng ta ghi nhận sự hảo tâm của các chị, nói để nhà trường biết sự đóng góp ấy. Ý kiến tôi là  vậy. Xin hết.

Không ai bảo ai, cả hội trường ran lên tiếng vỗ tay, chị trưởng ban ngơ ngác một tí rồi cũng vỗ tay theo.

Kết luận là mỗi suất đóng 100 ngàn đồng. Mọi người thở phào. Nhìn gương mặt tất cả các phụ huynh già trẻ giãn hẳn ra. Trưởng ban phụ huynh thẫn thờ… Tan cuộc họp, một số níu tôi lại cảm ơn nói hộ hay quá, rằng chúng tôi cũng nghĩ thế mà không dám nói. Có nhiều ánh mắt nhìn tôi tỏ ý biết ơn, khâm phục lòng “dũng cảm”…

2. Con cái tôi ra trường lâu rồi, chuyện đi họp phụ huynh thuộc về lứa tuổi đàn em nên tôi không biết giờ cái trò chơi quĩ phụ huynh ấy nó biến thái thế nào. Một cô bạn ở TP.HCM bảo tôi, kì rồi, mỗi suất 500 ngàn đồng, em hai đứa đang học, méo mặt anh ạ. Cả trường mấy ngàn trò anh tính số tiền là bao nhiêu. Năm ngoái quĩ phụ huynh còn dành cho thầy cô đi du lịch Singapore, thấy về kháo nhau ngủ khách sạn ba, bốn sao sướng lắm đấy anh ạ.

Rất tiếc là biết chi tiết đến thế mà ít ai dám lên tiếng thì còn trách ai hỡi các phụ huynh? Phải chăng sự yếm thế, sự ích kỉ trộn lẫn làm cho họ không “dũng cảm”. Họ chỉ muốn kẻ khác lên tiếng và họ im ỉm hưởng lợi từ sự dũng cảm của người khác? Báo chí có kêu lên thì hậu quả đã xong. Cái lỗi này mỗi phụ huynh phải tự gánh lấy một ít chứ!

Tôi bâng khuâng nghĩ ngành giáo dục cần nghiêm túc nghiên cứu lại, cần từ chối thứ quĩ phụ huynh có vẻ biến tướng quái gở. Mặc dầu lễ tết có tí quà đón tay thể hiện tình cảm động viên là cần lắm, nhưng ăn chơi nhảy múa trên lưng những thân phận phụ huynh nghèo thì thầy cô có đang tâm thế không. Chắc chắn là đa số trả lời không!

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm