Ngẫm ngợi cuối tuần: Nao nao cái Tết

04/01/2014 16:17 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Sáng…

Ngồi quán bên đường.


Trời lạnh thấu.


Bất ngờ thấy một xe máy chở chậu quất lao vào trong phố, những quả quất vàng ươm như co lại sau cái lạnh đầu ngày…


Bâng khuâng…


Sáng nay trên đường vào phố, lại bất chợt thấy một cành đào nhỏ sau xe của một người song hành trên đường, hương sắc mùa Xuân đã lấp ló sau nụ đào…


Chợt nhớ ra: Đã mồng ba tháng Chạp.


Năm nay ngày Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cách nhau đúng một tháng, ngày Âm và Dương lại trùng khít nhau, Tết đến sớm là phải.


Vậy mà trên đất đào Nhật Tân cuộc  sống vẫn chầm chậm trôi, chưa thấy tí mùi vị gì của Tết.


Con làm ăn xa, nhắn tin về hỏi: Năm nay bố ăn Tết thế nào, có đủ tiền sắm Tết không?


Biết năm nay không về ăn Tết được nên nó săn sóc hỏi han. Tôi bảo: Giờ Tết bình thường thôi, con không cần lo gì. Nói thế thôi, nhưng mấy năm nay Tết nhất cũng tự giản đơn đi nhiều. Tết khi trong nhà không có trẻ nhỏ cũng chẳng cần sắm sanh gì. Đến lúc nào đó mới nhận ra, Tết là cho trẻ nhỏ chứ không phải là của người lớn.


Năm xưa khi còn bé, mong Tết để có tấm áo mới và có tiền mừng tuổi…


Đã lâu nay rồi, Tết với tôi là chậu quất chậu đào, cặp bánh chưng, mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ… Tết là ngày thờ cúng tổ tiên. Có lẽ với người lớn, ngày Tết là ngày lo việc lễ tạ là chính. Người Mường mời tổ tiên về ăn Tết ba ngày, lập bàn thờ đơn sơ bên cửa võng, lấy thân chuối làm bát hương. Sau ba ngày thì dỡ bỏ bàn thờ đi, để tổ tiên về mường Trời. Đó là chuyện gặp mặt với người khác cõi, mỗi năm một lần. Người Dao thì từ sau Tết ra Rằm làm Tết nhảy hội tụ âm binh tản mác, trở về quây quần bên dòng họ che chở cho họ cuộc sống bình yên. Người Tày  thì mở hội lồng tồng để gọi rồng xin nước cho mùa màng thuận hòa. Mùa Xuân mở cửa cho một năm mới, mở cửa cho cuộc sống mới…


Tôi có thói quen sắm đào từ Rằm tháng Chạp. Từ đấy đến ngày mồng một năm mới, hai, ba lần mua đào. Với tôi cái Tết đầy sắc đào thật là thú vị, còn ăn uống không là việc quan trọng nữa nên cũng chẳng mấy quan tâm mua sắm. Lan man câu chuyện Tết ở mỗi đoạn đời, với tôi đều có những dịch chuyển…


Lan man, lan man cái Tết là để chấm dứt một chu kỳ tự nhiên để lặp lại một chu kỳ mới, để lại ước mong, lại hy vọng hướng tới tương lai.


Tín hiệu của Tết là hoa đào nở, là quất vàng ươm, mà bởi thế khi nhìn thấy những chậu quất trên đường hay cành đào trong những ngày băng giá, lòng lại nao nao nhớ lại những cái Tết đã qua và nghĩ đến cái Tết cận kề…


Bài và minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm