Ngẫm ngợi Cuối tuần: Khác biệt và khác người

02/06/2013 07:41 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. “Không giống người khác” là một tiêu chí khắt khe cho cái nghề sáng tạo. Vẽ hay viết khiến người ta chỉ xem lướt đã nhận ra đó là ai, có khi tác giả phải mài bút mất cả đời người mà không phải ai cũng thành công. Cho nên xem tranh hay đọc truyện mà bảo tác giả là giống ông này, ông kia thì đó là lời khen khiếm nhã chứ chẳng phải khen!


Nghệ thuật luôn là lĩnh vực khó khăn, đòi hỏi sự thông minh đi kèm với bản lĩnh cá nhân.

Tuy vậy bước vào con đường  nghệ thuật thì ai cũng có thời gian lẫm chẫm. Nhiều danh họa thế giới trước khi thành chính quả cũng đều bị ảnh hưởng bởi những bậc thầy hoặc bậc đàn anh đi trước. Ví dụ như Kăng-Đin-xki, ban đầu bị ảnh hưởng nặng Xê-zan nhưng những bước tiếp theo ông đã tìm ra con đường cho mình sự khác biệt tuyệt vời với cách tạo hình và bảng màu ma mị, đẹp lạ thường.

2. Ở ta, họa sĩ Bùi Xuân Phái với phố cổ Hà Nội đã làm cho ông lẫy lừng bằng những nét đơn sơ và bảng màu trung tính tạo nên một thứ phố hoài niệm. Vẫn tên phố nọ phố kia, đến tận nơi phố ấy so với tranh thấy chẳng giống như nó đang có, nhưng chắc chắn là phố cổ Hà Nội mà không phải là nơi khác. Ông đã sáng tạo ra điệu nhạc phố cổ bằng bảng màu và nét vẽ phố mà khiến người yêu nghệ thuật phải say sưa nhảy theo điệu nhạc ấy.

Cũng vậy, Nguyễn Tư Nghiêm với “Một điệu múa cổ” đã làm cho ông khác biệt với mọi người bởi nhận thức thẩm mĩ qua điêu khắc đình làng đậm nét trong tranh từ màu đến nét, dù tranh vẽ múa cổ không nhiều bằng Phố cổ của Bùi Xuân Phái.

Sau này có một số họa sĩ theo phong cách ấy nhưng mãi mãi đứng trong bóng rợp của hai ông.

Bây giờ dở tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân ra đọc lại, vẫn hiện ra trước mắt ta một con người khề khà chậm rãi sống, nhẩn nha trò chuyện, quan sát tỉ mẩn nhấm nháp từng từ để chọn ra cái thích thú của riêng  mình. Chữ nghĩa được chọn chành kĩ như người mê ẩm thực ngồi bên chiếu rượu chọn chành ngắm nghía từng cọng rau thơm trước khi nhặt vào bát làm cho ông chẳng giống ai, tạo nên một phong cách chỉ Nguyễn Tuân mới như thế.

3. Khác biệt là sự khao khát trong sáng tạo của mỗi người làm nghệ thuật. Sự vận hành trong làm nghệ thuật không giống như cỗ máy sản xuất ra một loại hàng tiêu dùng dập khuôn chính xác trăm cái như một, mà là trăm cái là trăm sự thay đổi trên phong cách cá nhân của tác giả. Cho nên với hàng tiêu dùng thì giá cả có thể mặc định, còn trong nghệ thuật giá cả được xác định theo sự tín nhiệm của người thưởng thức với uy tín của tác giả.

Buồn cười, hôm qua gặp hai họa sĩ tại một triển lãm nghệ thuật. Một cậu xưa nay tóc dày lòa xòa, hôm nay bay đâu hết. Một cái đầu trọc cạo đến nhẵn bóng nhìn rõ từng vết sẹo nhỏ trên da đầu. Anh chỉ tay vào  đầu cười: “Khác biệt chưa?”. Tôi nhún vai chưa kịp trả lời thì anh tiếp: “Nghệ thuật là phải tìm ra sự khác biệt”. Tôi quay đi lại gặp một bạn vẽ khác: Hôm nay cái đầu trọc cố hữu biến mất, tóc anh đã dài ra tự bao giờ, lại còn  buộc túm đuôi gà nữa chứ.

Tôi thở dài, nghĩ trong đầu một câu định nói  với hai người bạn: “Vâng, đó là khác người mà không phải khác biệt đâu các ông” . Nhưng rồi lại thôi!

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm