Ngẫm ngợi cuối tuần: Hãy trả cho lễ hội cách thướng tiền đúng nghĩa

07/03/2015 07:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -  “Thướng” là một hình thức xưa lắm của làng quê phố thị trong các buổi biểu diễn của các gánh hát. Thướng là cách người xem thưởng tiền cho cảnh diễn hoặc một cá nhân có vai diễn đặc biệt xuất sắc!

Thướng có lúc cũng là để trả công lao động cho gánh hát.

Cái mà ta tưởng là sáng kiến của thời đại: “xã hội hóa” một số hoạt động văn hóa giáo dục thì cha ông ta làm từ lâu rồi. Hình thức thướng tiền chính là một sách “xã hội hóa”, nuôi người biểu diễn trò vui. Có tiền thướng, gánh hát mới có cái để sống mà hoạt động. Ngày xưa làm gì có làng xã nào có tiền trả nuôi gánh hát mà là “thướng” của dân nuôi gánh hát.

Ngày xưa chiếu chèo hát hội làm gì có bán vé, xem thấy hay thì người ta thướng tiền. Người xem có ý thức thì bao giờ nhiều ít cũng có tiền thướng.

Châu Âu hiện đại bây giờ cũng có những trò chơi nhạc đường phố, nhóm hoặc cá nhân. Họ đặt ngửa cái mũ trước người qua lại. Ai dừng lại nghe bỏ vào đó vài đồng vài hào, hình thức đó giống như thướng ở ta. Gọi là trả công lao động, hoặc thưởng cho diễn hay. Những nhóm nhạc trẻ đó thích chơi đường phố, bên cạnh có một số dùng cách đó để kiếm sống. Đấy không phải ăn xin!

Ở ta hình thức thướng là như thế này. Ví dụ Hội chùa Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thường năm hay mời đội tuồng nghiệp dư Tấn Bào làng bên sang diễn. Cơm nước làng lo, làng lại lót tay dăm ba triệu coi như bồi dưỡng cho suất diễn. Tuồng diễn ban ngày, sau vài lớp diễn thì diễn viên dừng lại nghỉ. Rồi có một người cầm cái rá lần lượt rê qua các hàng khán giả. Người xem bỏ tiền vào rá. Cũng có người không. Tôi quan sát một ông già đến lần thứ ba rá rê qua mặt mới bỏ tiền ra. Đồng tiền có mệnh giá khá. Tôi hỏi thì ông bảo, đến lớp diễn này mới có một kép hát hay đến thế, ông mới thướng tiền. Chuyện tiền thướng có nhiều hay không còn là sự đánh giá của người xem thích hay không nữa.

Trong hát ca trù người đánh trống chầu giữ nhịp, khi ca nương có câu hát xuất sắc, người giữ trống thướng bằng mấy tiếng tom chát nẩy lên, mà chỉ ca nương và người thưởng ngoạn biết. Còn ai không hiểu gì về ca trù thì không biết đâu là trống giữ nhịp, đâu là thướng nữa kia!

Gánh hát chúc thì khác, đội nhạc và vài ba đào quê kép xóm sắp một cái mâm đổ gạo và cắm hương. Ai đến bỏ tiền nhiều ít vào mâm là được nhận một đoạn hát dài ngắn khác nhau, chúc cho may mắn cả năm khi làm ăn, lúc đi đường. Các cô cũng ướm hỏi làm nghề gì để có lời hát uốn theo cho hợp cảnh. Họ là những gánh hát về góp vui với Hội mà không phải khách mời. Ở đây đưa tiền thì không phải là thướng.

***

Nói như thế để thấy tiền thướng có nguồn gốc văn hóa, có cái hay của nó để khuyến khích biểu diễn tốt hơn, thì tại sao với con mắt hiện đại chúng ta lại cho là xin tiền, là hành vi xấu để cấm  đoán. Đó là cách làm chưa đúng của một số địa phương. Đó là những đốt gẫy trong quản lý văn hóa, không tìm hiểu kĩ nên quản lí theo lối duy ý chí và mệnh lệnh áp đặt!

Nghe nói hội Lim năm nay các đội hát được chính quyền cho vài triệu coi như tiền thuê, để cấm nhận tiền thướng (mà ta nhầm gọi là ngửa  nón xin tiền) là cách làm chưa đúng. Đó là thứ tiền thuê hát, còn nghệ nhân thì đồng tiền thướng ít nhiều là để họ hiểu uy tín của nghề đến dâu để mà cố gắng.

Hãy trả cho lễ hội cách thướng tiền, một lối “xã hội hóa” tích cực để cho người hát, người diễn tham gia hội thấy được tôn trọng và được đầy đặn niềm vui.

Bài và minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm