Ngẫm ngợi cuối tuần: 'Giả vờ' tốt nghiệp ở sân Văn Miếu

29/11/2014 07:37 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày bé, mỗi năm đến Hè là bố lại cho tôi từ rừng về Bắc Ninh ở với ông nội một tháng. Một lần tôi dó dáy xem tập sách chữ nho của ông thấy có tờ phía ngoài đứt bong, tôi lấy tay vo viên định ném đi thì ông trông thấy. Ông nói nghiêm khắc: Cháu không được vo viên nhàu nát thế, phải châm lửa hóa ngay đi, chữ thánh hiền không thể coi làm thường…

Ông nói, vẻ mặt trang trọng thành kính. Ấn tượng đó vẫn rõ nét đến ngày hôm nay dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua… Người Trung Hoa mang chữ Hán sang ta, Hán hóa khá thành công cho bao nhiêu thế hệ nho học, gắn vào nếp sống gia đình. Những đạo quân -sư-phụ, tam tòng, tứ đức theo vào đời sống người dân quê tôi, vùng Kinh bắc, nơi được coi là đất học…

Đem theo ấn tượng đó khi lớn lên, mỗi lần nhìn thấy cuốn sách đóng giấy Nam, chữ nho lại thấy có cái gì thiêng liêng hơn hẳn sách Quốc ngữ. Hôm mới đây ra Văn Miếu, đúng góc đường mặt tiền, tôi thấy người hướng dẫn du lịch đang hào hứng giải thích hai chữ “ Hạ mã” có ý nghĩa tôn kính thế nào khi đi qua trước mặt tiền Văn Miếu. Khách nghe với vẻ mặt nghiêm trang, như đang tiếp thu một giá trị văn hóa Phương Đông đáng trân trọng.

Vào đến sân văn Miếu, bên cạnh những nhóm du khách Hàn quốc và Âu châu đi lẻ, lọt thỏm giữa muôn trùng lứa học sinh cấp ba. Đông kinh khủng, chúng chạy rầm rập, đùa nghịch, chụp ảnh, la hét. Đặc biệt là có đến vài trăm học sinh mặc áo thụng xanh tím, đội mũ bình thiên, tay ôm bằng tốt nghiệp đỏ rực như buổi tốt nghiệp nhận bằng cử nhân, xếp hàng chụp ảnh.

Hóa ra chẳng có tốt nghiệp nào, mà các em là học sinh phổ thông đi chơi vào thuê áo thụng mũ bình thiên và bằng tốt nghiệp là miếng bìa cacton bồi gấy đỏ để chụp ảnh. Mỗi món thuê một trăm ngàn. Dịch vụ này thu đậm thật, mấy chục triệu mỗi ngày?

Những tấm ảnh tốt nghiệp giả vờ ra đời từ sân Văn Miếu như vậy đó.

Có người thấy thế ngạc nhiên: Văn miếu là nơi nghiêm cẩn sao lại có thể làm như vậy, thì có lời giải thích ngay: Kinh tế thị trường, có cầu thì có cung. Văn Miếu thì Văn  Miếu, vẫn phải kinh doanh chứ.

Tôi dừng lại chừng một giờ trong Văn Miếu, gặp dăm bảy đoàn khách nước ngoài tham quan. Thấy khách lặng lẽ đi len lén tránh sự ầm ĩ… Nhớ lại hình ảnh ông nội xưa cung kính với Hán học, lại nhớ một Văn Miếu trong tâm thức là chốn trầm mặc của các bậc tiền liệt là tấm gương sáng mãi cho các nho sinh sau này… Tất cả bay hiến đâu hết, chỉ còn bốn chữ “ kinh tế thị trường” bao phủ và chèo lái tất cả.

Thời gian trên nửa thế kỉ không là dài mà chuyển động về văn hóa như vậy có thể coi là bão táp!

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm